Bán bơ thu 300 triệu đồng/tháng, buôn tôm hùm 35 triệu đồng/ngày
Trung bình mỗi ngày bán được 10 triệu tiền bơ, mỗi tháng chủ shop cũng đút túi gần 300 triệu đồng. Kinh doanh đặc sản mang lại khoản doanh thu đều đặn cho không ít bạn trẻ mới khởi nghiệp bán hàng online.
Doanh thu trăm triệu
Ông Trần Trọng Tuyến, Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, cho biết, đặc sản địa phương là một trong những sản phẩm được nhiều người tiêu dùng ưu chuộng. Ông Tuyến dẫn chứng, một shop online chỉ bán một loại hàng duy nhất là trái bơ Đắc Lắc nhưng có khoản doanh thu khá ấn tượng.
Trung bình mỗi ngày, họ bán được ít nhất 10 triệu đồng tiền bơ, đơn hàng ở khắp cả nước. Tương tự như vậy, một shop khác chuyên bán quả hồng sấy của Đà Lạt có doanh thu 150 triệu đồng/tháng.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều shop đã mở ra với đủ loại đặc sản từ bơ sáp Đắk Lắk, dừa Bến Tre, rau Đà Lạt đến cá bống kho Sơn Trà, cua Huỳnh đế Phú Quý, chuột đồng Đồng Tháp,... với giá còn rẻ hơn mua ở chợ, siêu thị.
Chị Nguyễn Thị Trang (KĐT Linh Đàm, Hà Nội) - chuyên kinh doanh chè (Thái Nguyên) - cho biết, chị lấy hàng trực tiếp từ người quen tại địa phương nên chè luôn đạt chất lượng cao. Khách hàng sau khi sử dụng giới thiệu bạn bè, người quen, do vậy công việc kinh doanh đặc sản của chị rất “phát đạt”.
Trung bình mỗi tuần, doanh thu từ shop bán chè online lên tới vài chục triệu đồng. Ngoài bán hàng tại Hà Nội, chị còn nhận chuyển đi nhiều nơi trên toàn quốc, thậm chí có cả khách đặt mua để xách tay sang nước ngoài.
Ngoài chè, chị Trang còn kinh doanh thêm nhiều mặt hàng đặc sản khác như bánh đậu xanh (Hải Dương), các loại thịt gác bếp (Sơn La), bún (Hà Nội), rượu Làng Vân (Bắc Giang),...
Chỉ kinh doanh duy nhất mặt hàng tôm hùm Nha Trang online, thế nhưng có những ngày, chị Phương Lan ở Hai Bà Trưng (Hà Nội) có thể thu về tới 35 triệu đồng. Chị Lan chia sẻ, trước kia chị bán khá nhiều loại hải sản online, tuy nhiên, gần một năm trở lại đây chị đi sâu vào mặt hàng tôm hùm tươi Nha Trang vì muốn cung cấp cho khách loại hải sản có chất lượng tốt nhất.
“Khách ở Hà Nội rất sành ăn, đã là hải sản thì phải tươi ngon, giá đắt một chút họ cũng có thể chấp nhận. Thế nên, mình làm hàng chuẩn, không cần quảng cáo nhiều khách vẫn có lượng khách ổn định”, chị nói. Tôm hùm là loại hải sản cao cấp, giá hiện tại chị bán là 700.000 đồng/kg, mỗi ngày chị bán tầm 15-20kg tôm, doanh thu khoảng 10-14 triệu đồng.
Nhưng riêng vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật cuối tuần, lượng khách đặt mua tôm hùm thường tăng gấp 2-3 lần. Đơn cử như hai ngày cuối tuần vừa rồi, chị bán tới 110kg tôm hùm tươi, thu về 77 triệu đồng.
“Khách mua ít 1kg, mua nhiều 2-3kg. Tôi thường nhập tôm theo đơn hàng khách đã đặt trước đó và nhập về hàng ngày. Tôm về tới Hà Nội sẽ được giao luôn cho khách”, chị chia sẻ.
Kinh doanh đặc sản có dễ?
“Hiện nay, cứ ra ngõ là gặp cửa hàng đặc sản vùng miền, nếu không kinh doanh bằng uy tín, chất lượng và đặc trưng riêng thì không thể tồn tại”, chị Dương nói.
Khởi nghiệp bán hàng đặc sản nhưng không dễ dàng
Theo ông Tuyến, nhu cầu về đặc sản của người dân rất là lớn. Tuy nhiên, các chủ cửa hàng cần cung cấp thông tin rõ ràng, tin cậy mới thu hút được người tiêu dùng.
Đầu tiên phải ghi nhớ đó là chỉ chọn những sản phẩm độc, mới lạ, chưa được bán rộng rãi bên ngoài cũng như bán online qua mạng. Vì tâm lý tò mò muốn dùng thử nên khách sẽ đặt mua, như vậy bạn đã thành công thu hút được khách hàng.
Đưa ra tư vấn về kinh doanh, ông Tuyến cho rằng, chuẩn bị tối thiểu là 50 triệu, tối đa là 200 triệu đồng để mua hàng, quảng cáo, lập website bán hàng, tiếp thị sản phẩm,... Tiềm lực tài chính lớn bao nhiêu thì kinh doanh càng thuận lợi bấy nhiêu.
Khi mới bắt tay vào kinh doanh, bạn hãy chỉ nên tập trung vào 1 hoặc 2 mặt hàng đặc sản thử nghiệm trước, khi đã bắt đầu quen với khách hàng, tạo dựng được tiếng tăm cho thương hiệu thì hãy mở rộng thêm các loại sản phẩm đặc sản khác nếu có điều kiện tài chính.
“Nếu lấy đặc sản ở quê mình thì bạn có thể không bị áp lực quá về vốn vì bạn có thể lấy hàng gối đầu, bán rồi trả tiền hàng sau nên ban đầu việc kinh doanh sẽ không trở ngại lắm. Còn nếu lấy lại nguồn hàng từ người khác, bạn buộc phải chuẩn bị đủ vốn để nhập hàng. Bởi vậy nên bạn phải tính toán nhập vừa đủ nhu cầu khách hàng, không nên nhập quá nhiều, hàng ăn sẽ hỏng nhanh vì không để lâu được, như vậy bạn sẽ thất bại ngay từ đầu đấy”, ông Tuyến đưa ra lời khuyên.
Vì là đặc sản hầu hết là các món ăn nên khâu vận chuyển thực sự rất quan trọng. Đặc biệt là những hàng thực phẩm tươi sống, hoặc hàng không có chất bảo quản, nếu vận chuyển quá lâu sẽ hư hỏng, bốc mùi. Vì vậy, việc giao hàng tận tay người mua phải được thực hiện nhanh chóng, vừa đảm bảo sản phẩm không bị hư hỏng, lại làm hài lòng khách hàng tạo dựng uy tín cho thương hiệu đặc sản của mình, một công đôi việc - ông Tuyến cho hay.
Theo Nam Hải
VietnamNet