Sóc Trăng:

Bán 30 ký ổi chưa mua nổi tô bún ăn sáng

(Dân trí) - Những ngày gần đây, hàng ngàn hộ dân trồng ổi ở Sóc Trăng đang “đứt ruột” khi vườn ổi được mùa nhưng giá thì “tuột dốc không phanh”. Từ chỗ giá đang 10.000 đồng/kg nay chỉ còn 500 đồng/kg, người nông dân bán 30 ký ổi không mua nổi tô bún ăn sáng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ông Vũ Bá Quan- Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Kế Sách cho biết: “Hiện nay toàn huyện có trên 1.000 ha ổi đang vào vụ thu hoạch nhưng do giá rớt quá thê thảm nên nhiều nhà vườn chán nản, cố gắng cầm cự thêm ít ngày, nếu giá không lên có khả năng bà con sẽ chặt bỏ”.

Theo ông Quan, cây ổi có mặt ở Kế Sách cách đây khoảng 5- 6 năm nhưng chỉ một số ít hộ trồng. Sau 8 tháng trồng, ổi đã cho thu hoạch, mỗi ha cho tới 70 tấn trái. Vào thời điểm đó, ổi được giá, dao động từ 9.000 đồng - 10.000 đồng/kg, thậm chí có khi lên tới 13.000 đồng - 14.000 đồng/kg. 

Với giá 10.000 đồng/kg, mỗi ha ổi cho nhà nông thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Trừ chi phí khoảng 20 - 25 triệu đồng, nhà nông còn lời từ 75 - 80 triệu đồng/ha. Chính vì lãi cao nên nhiều hộ nông dân đã chặt vườn cây ăn trái như cam, nhãn, xoài để trồng ổi; thậm chí có nhiều nhà còn phá ruộng lúa để trồng ổi.

Do tình trạng “nhà nhà trồng ổi, người người trồng ổi” nên từ chỗ chỉ có vài trăm ha nay đã có trên 1.000 ha ổi ở hầu hết các xã của huyện Kế Sách, trong đó tập trung nhiều ở các xã Thới An Hội, Ba Trinh, Trinh Phú, An Lạc Tây, Kế An,…

Ổi chất thành đống như giá quá thấp, bán 30 ký ổi chưa mua nổi tô bún.
Ổi chất thành đống như giá quá thấp, bán 30 ký ổi chưa mua nổi tô bún.

Dẫn tôi ra thăm vườn ổi nhà mình, ông Nguyễn Ngọc Tặng (xã Thới An Hội) cho biết, ổi là loại cây dễ trồng, sau khi cây cho thu hoạch, cứ bón phân, tưới nước đều đặn là cho trái đợt tiếp theo. Nhà ông trồng 400 gốc cách đây 4 năm, sau 8 tháng trồng là có thu hoạch. Mỗi năm thu hoạch được hơn 40 đợt, mỗi đợt được khoảng 250kg, bán với giá 9.000 đồng - 10.000 đồng, ông thu từ  2 - 2,5 triệu đồng. 

Trong khi đó, chi phí mỗi ký ổi hết khoảng 1.500 đồng, tính ra chi phí mỗi đợt thu hoạch chiếm 375.000 đồng nên người dân vẫn còn lời từ 1,7 triệu - 2 triệu đồng. Mỗi năm, người trồng ổi có 40 đợt thu hoạch được tổng cộng 10 tấn ổi, bán được 40 triệu đồng, còn lời ít nhất cũng được 85 triệu đồng. 

Tuy nhiên, “hiện nay ổi chỉ còn bán với giá 500 đồng/kg, tức lỗ 1.000 đồng/kg, nếu kéo dài tình trạng này, chỉ vài tháng nữa tôi phải chặt bỏ vườn ổi thôi”, ông Tặng buồn bã nói.

Ở xã An Lạc Tây, ông Nguyễn Quốc Bảo trồng 8 công ổi mới được hơn 1 năm, thu hoạch được khoảng 20 đợt, mỗi đợt khoảng 1 tấn trái. Lúc đầu bán với 5.000 đồng/kg cũng còn lời 3,5 triệu đồng, còn bây giờ giá dừng ở mức 500 đồng/kg nên vợ chồng ông không thu hoạch bởi tiền bán ổi không đủ trả tiền nhân công hái ổi và vận chuyển. 

Ông Nguyễn Văn Tâm (xã An Lạc Tây) trồng 5 công ổi, thu hoạch được khoảng 1 năm. Ông Tâm nói: “Hồi đầu tôi bán từ 6.000 đồng - 7.000 đồng/kg còn lời kha khá, bây giờ chỉ còn 500 đồng/kg nhưng thương lái vẫn không muốn mua nên lỗ nặng. Hiện tại tôi chỉ quan tâm đến lứa ổi đã ra trái nên bọc lại cho khỏi sâu phá hoại, còn số trái mới ra thì không chú ý nữa bởi cầm chắc lỗ rồi”.

Lý giải tình trạng cung vượt quá cầu này, ông Vũ Bá Quan phân tích, lúc đầu, chỉ có một ít hộ ở xã Nhơn Mỹ trồng ổi với diện tích không nhiều nên vừa trúng mùa vừa được giá nên bà con lời nhiều. Khi thấy những hộ này làm giàu từ cây ổi, nhiều hộ khác ở nhiều địa phương trong huyện cũng đổ xô trồng ổi.

Trước thực trạng đó, ngành nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con, cây ổi chỉ là cây trồng ngắn hạn, tạm thời trước mắt chứ không phải là cây chủ lực, không phải loại cây lâu dài, nếu đổ xô trồng sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu thì lỗ nặng nhưng bà con vẫn trồng.

Ổi bán không được nên nhiều hộ dân phải vứt bỏ.
Ổi bán không được nên nhiều hộ dân phải vứt bỏ.

Ông Vũ Bà Quan chia sẻ: “Sau dưa hấu ở miền Trung, hành tím Vĩnh Châu, bây giờ người nông dân ở huyện Kế Sách lại lâm vào tình trạng ế ẩm với trái ổi. Ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương đang khó khăn khi tìm lối thoát cho cây ổi, bởi không giống hành tím là loại nông sản dù sao cũng khá phổ biến trong đời sống hằng ngày, lại có thời gian để được khá lâu trong nhà. Còn cây ổi chỉ là loại trái ăn chơi, không để lâu được. Hành tím vận động người mua cũng dễ chứ ổi thì khó quá”.

Cũng theo ông Quan, muốn giúp nhà nông tránh khỏi tình trạng cung vượt quá cầu, các nhà khoa học và các nhà quản lý cần chú trọng công tác nghiên cứu giúp nhà nông nâng cao chất lượng sản phẩm bắt đầu từ khâu chọn giống, bón phân, thuốc bảo vệ thực vật để làm sao loại nông sản đó bảo quản được lâu hơn; đồng thời chú trọng công tác bảo quản, lưu trữ lâu dài sản phẩm cho nông dân. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ giúp nhà nông rất nhiều trong tiêu thụ sản phẩm họ làm ra. 

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có cảnh báo bà con trồng hạn chế chứ cứ để bà con trồng theo kiểu tự phát, theo phong trào thì chắc chắn sẽ dẫn tới nguy cơ thừa sản lượng như hiện nay. Và cứ như vậy, điệp khúc trồng rồi chặt lại tiếp tục tái diễn. 

Cao Xuân Lương


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm