Bài thi ấn tượng của "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Các tác giả đầu tư nghiêm túc vào nội dung bài dự thi, từ nghiên cứu chuyên sâu, mô tả mô hình đến công nghệ triển khai thử nghiệm thực tế, được một số địa phương và doanh nghiệp áp dụng, ghi nhận kết quả bước đầu.

Cuộc thi viết "Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững" diễn ra từ ngày 14/8, nhiều tác phẩm chất lượng đến từ học sinh, sinh viên, giảng viên, công chức, doanh nhân, nhóm công tác xã hội... với các góc nhìn sáng tạo.

Chủ đề cải tạo môi trường sống thu hút số lượng bài vượt trội, các tác giả nỗ lực vạch ra ý tưởng, mô hình đột phá về tập trung đào tạo nhận thức bảo vệ môi trường ngay từ nhà trường, doanh nghiệp, địa phương. Không ít tác giả dành nhiều nghiên cứu chuyên sâu cho hoạt động tái chế rác thải nhựa, phế phẩm nông nghiệp hay chế tạo vật liệu xanh, hệ thống hấp thụ CO2 chủ động...

Tác giả Nguyễn Quang Nam công tác tại Công an TP Việt Trì với sáng kiến "Thiết bị tự động thu gom rác thải nhựa và nước thải trên sông", với mục tiêu kép giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa trên các dòng sông và góp phần thu gom, xử lý nước thải, giúp bảo vệ môi trường nước sạch.

Thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý thủy động học, sử dụng lực của dòng nước để quay bánh răng, từ đó tạo ra lực đẩy để rác thải nhựa và nước thải được thu gom vào các khu vực lưu trữ. Thiết bị này cũng giúp kiểm soát và xử lý vết dầu loang, ngăn chặn tác động tiêu cực của dầu đối với môi trường nước và động vật sống trong nước.

Bài thi ấn tượng của Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững - 1

Mô hình "Thiết bị tự động thu gom rác thải nhựa và nước thải trên sông" của tác giả Nguyễn Quang Nam.

Tác giả Hồ Thị Như Thủy có sáng kiến phát triển hệ sinh thái vi sinh vật trên rêu và tảo để thanh lọc không khí, xử lý nước thải cũng như sản xuất năng lượng tái tạo ngay tại các đô thị lớn. Nhờ đó, hệ thống cung cấp giải pháp tự nhiên giúp cải thiện chất lượng nước và tiết kiệm chi phí xử lý nước bị ô nhiễm, giảm gánh nặng, áp lực đè nén lên các nhà máy xử lý nước hiện có. Đồng thời tạo ra nguồn năng lượng tái tạo sạch, cắt bớt nhu cầu, giảm phụ thuộc vào việc sử dụng nguồn nhiên liệu hóa thạch, bình ổn giá năng lượng.

Bài thi ấn tượng của Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững - 2

Hệ thống xử lý nước thải đô thị bằng tảo kết hợp với vi sinh vật (minh họa bởi AI) của tác giả Hồ Thị Như Thủy.

Tác giả Lê Thị Hảo, đang công tác tại Trường THCS Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình, ghi nhận những nghiên cứu thực tế cho đề tài: "Giải pháp xanh giúp duy trì và phát triển bền vững các làng nghề truyền thống sản xuất muối ven biển trước nguy cơ, thách thức của biến đổi khí hậu", trong đó tập trung vào việc tận dụng than rơm, rạ đốt trong môi trường yếm khí lấy than rơm, rạ làm nguyên liệu cải tiến bề mặt sân bê tông giúp tăng năng suất muối, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo ghi nhận của tác giả, việc cải tiến bề mặt sân bê tông truyền thống màu bạc thành bề mặt sân bê tông cải tiến màu đen từ than rơm, rạ giúp tăng năng suất muối 20%-30% so với phương pháp sản xuất truyền thống, từ đó làm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con.

Bài thi ấn tượng của Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững - 3

Hình ảnh nhóm nghiên cứu của tác giả Lê Thị Hảo quét bề mặt sân bê tông.

Cũng tận dụng rơm rạ, các phế phẩm nông nghiệp khác như vỏ trấu, xơ dừa, tác giả Nguyễn Thị Như Quỳnh đến từ Trường đại học Hàng hải Việt Nam chọn chủ đề "Tái chế chất thải nông nghiệp thành vật liệu xây dựng xanh", đưa tới giải pháp tận dụng các chất thải này để sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường như gạch không nung, tấm cách nhiệt, ván ép sinh học.

Tác giả Hoàng Diệu My, đại diện nhóm Prosus, đặt đề bài sử dụng ấu trùng ruồi lính đen để tái chế phế phẩm ngành trồng trọt, cây ăn quả của Đồng bằng sông Cửu Long thành đạm thay thế cho ngành chăn nuôi và phân bón hữu cơ.

Nhóm tác giả của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, GVC.TS. Tăng Văn Lâm và sinh viên Võ Đình Trọng có chủ đề: "Nghiên cứu chế tạo vật liệu xanh hấp thụ khí thải CO2: Hướng đến mục tiêu Netzero năm 2050". Vật liệu nghiên cứu được tạo thành từ việc tận dụng các loại phế thải công nghiệp (tro bay nhiệt điện, tro bay điện rác, xỉ luyện kim, bột gốm sứ, bùn thải khai thác khoáng sản, hạt kính phế thải, hạt xỉ than tổ ong sau khi sử dụng…) được sử dụng chế tạo gạch xây không nung với quá trình sản xuất không phát thải khí CO2, nhưng mỗi viên có khả năng hấp thụ tự nhiên được khoảng 20-30g CO2.

Bài thi ấn tượng của Sáng kiến ESG vì một Việt Nam phát triển bền vững - 4

Bài dự thi của nhóm tác giả GVC.TS. Tăng Văn Lâm và sinh viên Võ Đình Trọng, trường Đại học Mỏ - Địa chất.

Ngoài ra, các tác giả còn tập trung giải quyết bài toán bảo vệ quyền lợi người lao động, cắt giảm chi phí cho những yếu tố gây hại đến môi trường trong sản phẩm, thay vì cố gắng cắt giảm nhân sự, cổ vũ bình đẳng giới trong môi trường công sở.

Riêng với sáng kiến "Passion Leave", tác giả Nguyễn Thị Cẩm Lai (Đà Nẵng) mong muốn giải quyết bài toán giữ chân nhân tài và khơi dậy sự sáng tạo của nhân sự bằng một ý tưởng độc đáo: thiết kế kỳ nghỉ 3-6 tháng/năm để nhân viên theo đuổi sở thích, phát triển kỹ năng mới ngoài công việc, tái tạo năng lượng.

Phạm Thị Minh Nhật, học sinh trường THPT Đan Phượng, Hà Nội chia sẻ mô hình: "Từ sách cũ đến tương lai: Dự án Gác xép sách cũ", trong đó, thông qua việc thu gom, tái chế và trao tặng sách giáo khoa đã qua sử dụng để giảm thiểu lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Hiện, toàn bộ bài dự thi được gửi đúng theo quy định của ban tổ chức đã được đăng tải lên landing page (chuyên trang) cuộc thi trên báo Dân trí. Từ nay đến hết 14/10, ban tổ chức tiếp tục nhận bài và đăng tải, sau đó triển khai vòng bình chọn trực tuyến từ ngày 21/10 đến ngày 4/11.

Song song đó, từ ngày 21/10 đến ngày 8/11, ban giám khảo đánh giá, lựa chọn các sáng kiến, giải pháp xuất sắc nhất để trao giải, với:

- 1 Giải Nhất: 15 triệu đồng.

- 1 Giải Nhì: 10 triệu đồng.

- 3 Giải Ba: 5 triệu đồng.

- 5 Giải bài dự thi được bình chọn nhiều nhất: 2 triệu đồng/giải.

Kết quả được công bố tại Lễ trao giải và khen thưởng các cá nhân/tập thể dự thi đạt giải, dự kiến diễn ra trong tháng 11/2024.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chương trình, độc giả truy cập tại đây.

Các nhà tài trợ là Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đồng hành với báo Dân trí trong cuộc thi.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm