1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bài học từ Kodak: Kiểm toán cần chủ động thích nghi trong cuộc cách mạng số

Thảo Thu

(Dân trí) - Kodak, Blockbuster là những minh chứng cho ngành kiểm toán công thấy quy mô lớn hay vị thế cao không bảo đảm cho thành công trong tương lai, theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng.

Ngày 22/5, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - Kiểm toán nhà nước Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức hội thảo với chủ đề: "Chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn lĩnh vực Kiểm toán công: Ứng dụng công nghệ trong ngành Kiểm toán".

Hội thảo quy tụ gần 200 đại biểu tham dự, bao gồm lãnh đạo các cơ quan trung ương, chuyên gia từ ACCA, ADB, IMF, đại diện các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế, các ngân hàng, viện nghiên cứu, trường đại học và các hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính - kiểm toán.

AI, blockchain... đang "tái định nghĩa" nghề kiểm toán

Trong bối cảnh hiện nay, những xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) và blockchain đang thay đổi căn bản cách thức kiểm toán.

Theo đó, AI có thể tự động quét và phân tích 100% giao dịch để phát hiện các điểm bất thường, thay vì phương pháp chọn mẫu thủ công.

Tự động hóa quy trình bằng robot đảm nhiệm những tác vụ lặp đi lặp lại như nhập liệu hay đối chiếu số liệu, giúp kiểm toán viên tập trung vào những vấn đề phức tạp, mang tính chiến lược hơn.

Thậm chí, một số nghiên cứu đã dự báo trong vài năm tới, phần lớn công việc mang tính quy trình trong kiểm toán có thể được tự động hóa tới 90% nhờ AI.

Đánh giá xu thế này, ông Bùi Quốc Dũng, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, cho rằng ngành kiểm toán cần nhanh chóng thích ứng với những thay đổi đột phá mà công nghệ đang mang lại, nếu không kịp thích ứng, chính nghề kiểm toán truyền thống có nguy cơ bị bỏ lại phía sau.

Bài học từ Kodak: Kiểm toán cần chủ động thích nghi trong cuộc cách mạng số - 1

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Bùi Quốc Dũng (Ảnh: BTC).

Ông Bùi Quốc Dũng cho biết lịch sử đã chỉ ra rằng nếu không bắt kịp xu thế sẽ bị bỏ lại phía sau. Ông đưa ra một số ví dụ trong lĩnh vực công nghệ.

Cụ thể, Kodak từng là "gã khổng lồ" trong ngành phim ảnh với 90% thị phần vào thập niên 1990, nhưng do chậm chuyển sang công nghệ ảnh số nên đã nộp đơn phá sản vào năm 2012. Blockbuster, một thời là chuỗi cho thuê băng đĩa video lớn nhất thế giới, cũng sụp đổ vào năm 2010 vì không kịp thích ứng với xu hướng xem phim trực tuyến do Netflix khởi xướng.

"Những ví dụ đó cho thấy sự nghiệt ngã của việc chậm thay đổi. Quy mô lớn hay vị thế cao đến đâu cũng không bảo đảm cho thành công trong tương lai, nếu chúng ta không chủ động đổi mới", vị này nêu.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh, trong lĩnh vực kiểm toán công, nếu hài lòng với phương thức làm việc cũ, bỏ qua làn sóng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, chẳng mấy chốc sẽ trở nên lạc hậu trước khối lượng dữ liệu khổng lồ và các giao dịch tài chính phức tạp của nền kinh tế số.

"Ngược lại, nếu biết rút kinh nghiệm từ những bài học trên, chúng ta sẽ thấy rằng đổi mới là con đường duy nhất. Chuyển đổi số trong kiểm toán không chỉ đơn thuần là đầu tư máy móc, phần mềm, mà còn là đổi mới tư duy và cách làm. Mỗi kiểm toán viên cần hiểu rằng công nghệ không đe dọa chúng ta, mà chính là thời cơ để chúng ta làm tốt hơn sứ mệnh của mình", ông nhấn mạnh.

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Việt Nam đang có cơ hội lớn để bắt kịp và thậm chí đi cùng nhịp với thế giới. Với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, năng động và nền tảng công nghệ thông tin đang phát triển nhanh, ngành kiểm toán Việt Nam có điều kiện thuận lợi để ứng dụng những thành tựu mới nhất của cuộc cách mạng số.

Vì vậy, nếu biết tận dụng thời cơ, Việt Nam có thể đi tắt, đón đầu nhiều xu hướng mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán công và hoàn toàn có thể trở thành một hình mẫu ở khu vực về ứng dụng công nghệ trong kiểm toán nếu có chiến lược đúng đắn và hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.

Chuyển đổi số đã thay đổi căn bản phương thức hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán

Ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nhận định ở giai đoạn hiện tại, khối lượng dữ liệu cũng lớn hơn trước đây, cả về quy mô lẫn số lượng. 

Ông Phương cho rằng nền tảng thanh toán điện tử và giao dịch thương mại điện tử tạo ra hàng tỷ giao dịch mỗi ngày, vượt xa khả năng xử lý thủ công. Việc lấy mẫu ngẫu nhiên - vốn là thông lệ của hoạt động kiểm toán đang có nguy cơ bỏ sót những sai phạm trọng yếu ẩn sâu trong "biển dữ liệu". Điều này đòi hỏi kiểm toán phải chuyển từ mô hình chọn mẫu sang phân tích toàn diện, nơi AI và học máy trở thành trợ thủ đắc lực.

Bài học từ Kodak: Kiểm toán cần chủ động thích nghi trong cuộc cách mạng số - 2

Ông Bùi Hoàng Phương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Ảnh: BTC).

Ông Phương nhận định, trong lĩnh vực kiểm toán, việc chuyển đổi số đã thay đổi căn bản phương thức hoạt động. Với công nghệ hiện nay, ngành kiểm toán có thể giám sát số liệu theo thời gian thực, phát hiện bất thường, rủi ro để đưa ra cảnh báo sớm.

Ông Phương cho biết thực tiễn quốc tế đã có nhiều nước sử dụng AI trong kiểm toán. Đơn cử, Malaysia nhờ có AI có thể kiểm tra 100% ngân sách 15 bộ thay vì chọn mẫu. Na Uy dùng AI để giám sát tài chính hay Canada dùng AI phân tích 100% dữ liệu, điều này giúp giảm 40% thời gian so với kiểm toán truyền thống. Ông Phương đưa ra một số đề xuất với ngành kiểm toán trong việc ứng dụng AI. 

Cụ thể, theo ông, AI là lĩnh vực rộng, giúp kiểm toán viên làm được nhiều song để làm được hiệu quả cần phải xác định rõ mục tiêu, công việc muốn AI thực hiện.

Bên cạnh đó, ngành kiểm toán triển khai công nghệ cần nhanh nhưng lưu ý không để thiếu đồng bộ. Ông cho rằng cần hoạch định sự liên kết giữa các hệ thống. Ngoài ra, ông Phương cho rằng cần xây dựng hạ tầng dữ liệu để đồng bộ thông tin. Theo đó, hệ thống dữ liệu tập trung không chỉ Kiểm toán Nhà nước mà còn kết nối với các cơ quan Nhà nước khác.

Đặc biệt, ông lưu ý không chỉ dựa vào công nghệ mà yếu tố con người rất quan trọng. Theo đó, cần đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng nhu cầu hiện tại của ngành. "Ứng dụng công nghệ trong kiểm toán ko phải lựa chọn mà là yêu cầu sống còn", ông nhấn mạnh. 

Trong thời gian tới, ông Phương cho rằng Kiểm toán Nhà nước cần tập trung xây dựng mô hình chuyển đổi số với các thành phần cốt lõi là hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng kiểm toán số xử lý các hệ thống nghiệp vụ, nền tảng phân tích và dự báo thông minh, hệ thống quản trị và giám sát thông minh, năng lực cán bộ và sự nhiệt huyết.