Bài học nào sau những vụ thâu tóm của đại gia Thái?

(Dân trí) - Giàu và giỏi, "hùm được chắp thêm vây", đại gia Thái bắt đầu từ mua toàn hệ thống bán sỉ Metro Cash, bình thản hạ dần rồi tiễn luôn hầu hết hàng Việt ra ngoài, dành toàn bộ cửa hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái.

Những thương vụ thâu tóm... khủng

Các đại gia Thái Lan đang dần "thâu tóm" thị trường bán lẻ Việt Nam khi bỏ hàng tỷ USD mua các hệ thống bán lẻ lớn ở Việt Nam như Metro Cash & Carry Việt Nam và Big C Việt Nam…

Đầu tiên phải kể đến Central Group, một trong những đại gia Thái Lan hoàn tất thủ tục thâu tóm hệ thống bán lẻ BigC Việt Nam. Ngoài ra, Central Group cũng đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống điện máy Nguyễn Kim.

Giữa năm 2014, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) thuộc Tập đoàn ThaiBev chi gần 880 triệu USD mua lại toàn bộ chuỗi bán lẻ Metro Cash & Carry Việt Nam. Đây được đánh giá là vụ mua bán - sáp nhập (M&A) quy mô lớn nhất trong ngành bán lẻ Việt Nam từ trước đến nay, khi Metro đang có 19 trung tâm trên cả nước, doanh thu năm 2012 - 2013 đạt hơn 690 triệu USD.

Thương vụ đại gia Thái mua 53% cổ phần của Sabeco đang được dư luận đặc biệt quan tâm
Thương vụ đại gia Thái mua 53% cổ phần của Sabeco đang được dư luận đặc biệt quan tâm

Không thể không nhắc đến Tập đoàn xi măng Siam (SCG), cái tên đứng sau hàng loạt các vụ thâu tóm lớn tại Việt Nam.

Năm 1992, SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam. Mặc dù mới thâm nhập vào thị trường Việt 23 năm, tập đoàn này cũng đã có trong tay hơn 20 thương vụ mua bán, sáp nhập, trong đó, có những vụ mua bán với giá trị lên tới cả vài trăm triệu USD. Một trong những thương vụ lớn nhất phải kế đến vụ thâu tóm Prime Group vào năm 2012. SCG đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Prime Group với giá khoảng 240 triệu USD (gần 5.000 tỷ đồng ). Prime Group là nhà sản xuất gạch lát sàn lớn thứ 5 thế giới, và là nhà sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu Việt Nam (chiếm 20% thị phần).

"Thừa thắng xông lên", năm 2015, SCG hoàn tất nốt thương vụ mua lại 80% cổ phần của CTCP Bao bì nhựa Tín Thành (Batico), với giá 1,5 tỷ baht (khoảng 44,4 triệu USD).

Cảnh giác chiến lược chiếm lĩnh thị trường

TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, đã đến lúc phải dè chừng các nhà đầu tư ngoại trong những thương vụ thâu tóm như nêu trên bởi chiến lược sâu xa của họ là chiếm lĩnh những thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia rồi tiến đến chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.

Những thương hiệu như Sabeco mang tầm cỡ quốc gia, nếu biết "gọt giũa" sẽ trở thành "gà đẻ trứng vàng", mang lợi nhuận lớn cho chủ mới.

Ở khía cạnh trị trường, đại gia Thái đang muốn "thâu tóm" toàn bộ thị trường bán lẻ của Việt Nam thông qua các thương vụ với Big C, Metro Cash...

"Ví dụ giờ họ mở một siêu thị Thái ở Việt Nam. Họ chỉ nhập hàng Big C, Metro thôi thì các thương hiệu nhỏ lẻ của ta đã chết yểu. Kế đến, họ chỉ nhập sữa Vinamilk, không nhập TH True Milk thì chúng ta cũng không làm gì được họ", TS Tín phân tích.

Với vụ Sabeco, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam Chất lượng cao đặt hoài nghi khi: "Bước đi tình cờ hay cái bẫy thâu tóm tính sẵn của đại gia Thái?".

Thương vụ chào bán phần vốn nhà nước tại Sabeco đã hoàn tất ngay cuối năm 2017
Thương vụ chào bán phần vốn nhà nước tại Sabeco đã hoàn tất ngay cuối năm 2017

Bà Hạnh cho biết, tháng 4/2016, nhà nước Thái ráp nối bộ bốn “Bộ Thương Mại, doanh nghiệp lớn, ngân hàng, doanh nghiệp nhỏ” cùng làm chương trình “Pracha Rath” (có nghĩa là Đất nước của người dân - State of People) trong đó Chính phủ Thái giúp doanh nghiệp SME Thái đầu tư ra nước ngoài.

Một mục đích được nêu công khai là: “tính sổ” thiệt gọn thị trường 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, trong đó giao "trọn gói" cho Berli Jucker (BJC) thâu tóm thị trường Việt Nam.

Giàu và giỏi, "hùm được chắp thêm vây", đại gia BJC bắt đầu từ mua toàn hệ thống bán sỉ Metro Cash, bình thản hạ dần rồi tiễn luôn hầu hết hàng Việt ra ngoài, dành toàn bộ cửa hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Thái.

"Không phải lệnh nhà nước cho doanh nghiệp quốc doanh mà tất cả thực thi đúng như vậy. Giờ đại gia Thái mua tới doanh nghiệp hàng tiêu dùng mạnh nhất nhì của Việt Nam. Rồi sao nữa khi ông đã nắm cả chợ, lẫn những mặt hàng mạnh nhất?", bà Kim Hạnh cho biết.

"Ai ngồi đếm số hội chợ Thái đang tổ chức đồng loạt, liên tục khắp cả 3 miền được chính phủ Thái khôn khéo ủng hộ đúng luật quốc tế. Nhờ đâu họ hoạch định và thực thi được tất cả những gì họ muốn?", bà Hạnh nói thêm.

Sau những thương vụ thâu tóm của đại gia Thái, TS Bùi Quang Tín cho rằng, cần rút ra những bài học để cảnh tỉnh.

Theo đó, cần rà soát lại những lỗ hổng pháp lý trong vấn đề nhà đầu tư nước ngoài mượn danh thành lập doanh nghiệp trong nước để đầu tư, mua những thương hiệu tầm cỡ quốc gia, điển hình là vụ thâu tóm Sabeco.

Ông Tín cũng đề xuất, đối với những danh nghiệp mang đẳng cấp quốc gia cần đưa vào danh sách là bảo tồn. Chỉ cổ phần những doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả nhưng vẫn mang lại mức độ lợi nhuận cho Việt Nam khi chúng ta cổ phần hoá.

"Khi kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cũng như cổ phần hoá thì có những cam kết cụ thể. Cam kết quan trọng nhất là phát triển thị trường, duy trì chất lượng, thương hiệu của Việt Nam. Ngoài ra, phải cam kết hỗ trợ công nghệ, tài chính, sử dụng nhân công Việt Nam. Không thể để ông có sở hữu lớn, thì được quyền đưa nhân công ông qua còn người lao động của tôi thất nghiệp", TS Bùi Quang Tín nói.

Công Quang

Bài học nào sau những vụ thâu tóm của đại gia Thái? - 3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm