Bà Phạm Chi Lan: "Với RCEP, tôi mừng, nhưng lo cho Việt Nam nhiều hơn"

(Dân trí) - "Ngay từ khi biết tin Việt Nam cùng các đối tác ASEAN ký kết Hiệp định RCEP với 5 đối tác lớn, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo và tôi lo nhiều hơn!", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), chuyên gia Phạm Chi Lan đã chỉ ra hàng loạt thách thức mà Việt Nam và các nước ASEAN có thể sẽ phải đương đầu.

Thưa bà, RCEP là một sân chơi mở của ASEAN với một số cơ chế mới như công nhận quy tắc xuất xứ chung cho toàn bộ 15 nền kinh tế, mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ và hợp tác đầu tư, dịch vụ... bà đón nhận RCEP với tâm trạng như thế nào?

Ngay từ khi biết tin Việt Nam cùng các đối tác ASEAN ký kết RCEP với 5 đối tác lớn, tôi vừa mừng nhưng cũng vừa lo và tôi lo nhiều hơn! Nguyên nhân là bởi vì thông qua ASEAN, Việt Nam đã ký kết FTA với nhiều quốc gia trong số 5 quốc gia kể trên nhưng Việt Nam vẫn khai thác chưa hiệu quả.

Ngoài ra, đây là hiệp định chung của ASEAN, Việt Nam ở thế phải tham gia và chúng ta phải lựa chọn các bước đi chiến lược để lấy lợi ích và hạn chế những thách thức trước mắt.

Bà Phạm Chi Lan: Với RCEP, tôi mừng, nhưng lo cho Việt Nam nhiều hơn - 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và cố Thủ tướng Phan Văn Khải - (Ảnh Hữu Nghị)

Năm 2003, qua cơ chế ASEAN +1, Việt Nam cùng các nước ký kết hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, rồi sau này từ năm 2010, Việt Nam cùng các nước ASEAN mở rộng đối tác thương mại với 5 đối tác khác lớn khác bao gồm Nhật, Úc, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand..

Riêng với Nhật Bản, Việt Nam đã có riêng Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) với những thuận lợi hơn nhiều so với việc chúng ta cùng các nước ASEAN khi ký kết FTA với Nhật Bản.

Với Hàn Quốc chúng ta đã ký kết FTA từ năm 2016, rồi với Úc, New Zealand, đều có cơ chế thương mại tự do đa phương trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Để đánh giá, từ năm 2003 đến nay, qua các FTA song và đa phương, Việt Nam đã có những thành công về nhiều mặt. Tuy nhiên, có những vấn đề đặt ra nỗi lo cho đất nước, như việc Việt Nam khai thác thị trường của các nước khác kém hơn các đối tác họ khai thác thị trường của Việt Nam.

Từ khi có Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), doanh nghiệp Thái Lan khai thác rất tốt thị trường Việt Nam. Họ nhìn nhận cơ hội lớn nhất trong AEC là thị trường Việt, nơi hàng rào phi thuế quan không đủ mạnh và đội ngũ doanh nghiệp bản địa yếu về cạnh tranh.

Với Hàn Quốc, Trung Quốc, chúng ta đều nhập siêu hàng hóa của họ lớn và gia tăng theo mỗi năm. Ngay cả chiều xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước này, kết quả cũng đều là do doanh nghiệp Hàn Quốc, Trung Quốc ở Việt Nam xuất khẩu ngược trở về là chính.

Tựu chung, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, xuất khẩu Việt Nam tăng cả lượng và giá trị, nhưng có tỷ trọng rất lớn giá trị gia tăng là nằm trong tay nước ngoài. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam rất yếu và chưa khai thác được các thị trường khác và cũng chưa bảo vệ được thị trường nội địa. Vì vậy, càng mở cửa, hàng nước ngoài càng tràn vào nhiều hơn, các nhà sản xuất, làm dịch vụ và đặc biệt là nông dân sẽ đối diện với nhiều khó khăn ở địa bàn của mình trước khi nghĩ xuất được đi thế giới.

Trong RCEP, thị trường mở rộng, các quy định về xuất xứ được nới lỏng hơn, điều này được cho là có lợi cho các nước ASEAN, bà bình luận gì về điều này?

Tôi e là những thuận lợi mới được doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam hoặc chỉ các nước khai thác và tận hưởng được thôi. Nếu chúng ta không nhìn thấy nhược điểm của mình, để điều đó diễn ra, RCEP cũng không quá đáng mừng cho Việt Nam. RCEP là sân chơi rộng hơn, lớn hơn cho rất nhiều nước thành viên, nhưng nó vẫn sẽ rơi vào quy luật, ai mạnh hơn, giỏi hơn, biết tính toán hơn sẽ thắng.

Thậm chí, nếu so sánh tương đối, người thắng ít cũng có thể sẽ là người thua cuộc. Bởi chỉ hơn so với mình ở thời gian trước mà thua xa so với các đối tác khác thì không phải là lợi ích tìm kiếm được.

Việt Nam là nước xuất khẩu nông nghiệp lớn của thế giới, đứng thứ 15 trong số các nước xuất khẩu nông sản, nhưng những sản phẩm mà thế giới biết đến Việt Nam chủ yếu đều ở dạng thô sơ, giá trị gia tăng đều của nước ngoài. Nhiều sản phẩm vốn dĩ là của nước ta nhưng muốn vào được thị trường chính ngạch, siêu thị của nước khác, phải gắn nhãn mác hàng hóa của nước khác.

Hàng Việt sang các nước khác đều rất khó xâm nhập vào chính ngạch, vào siêu thị, chuỗi cung ứng, theo bà nguyên nhân có phải do cách thức làm thương mại của Việt Nam có vấn đề?

Tôi nghĩ tùy vào sản phẩm, như đối với thị trường Nhật Bản, một số sản phẩm Việt đã vào được như quả vải, xoài và một số loại rau xanh ở Đà Lạt. Đấy là công sức của cả hai bên. Phía doanh nghiệp Nhật Bản cũng phải lăn lóc vào làm từ đầu, phía doanh nghiệp, người nông dân Việt Nam cũng đã tuân thủ kỹ càng.

Theo tôi, nên bỏ qua cách làm ăn kiểu cũ dễ dãi, lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, không chú chú ý đến chất lượng sản phẩm, chỉ lo xuất nhiều.

Xuất khẩu sang thị trường chính ngạch, hệ thống phân phối của Trung Quốc hiện rất khó. Hiện hầu hết các thị trường đều tỏ ra khó tính đối với hàng nhập hoặc lấy đó làm lý do hạn chế hàng nhập, bảo vệ hàng nội địa.

Đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, họ yêu cầu khắt khe đối với cả hàng sản xuất nội địa và hàng xuất khẩu, đây là tiêu chuẩn của họ mà Việt Nam bắt buộc phải thực hiện để lớn lên, trưởng thành.

Trong RCEP, có quy định về công nhận quy tắc xuất xứ chung, nghĩa là khi hàng Việt vào Trung Quốc cũng được công nhận như đủ tiêu chuẩn vào các nước khác. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là quy tắc xuất xứ, các nước đều có quy chuẩn khác nhau đối với nhập nông sản, thực phẩm.

Ví dụ, Nhật hoàn toàn có quyền đưa ra tiêu chuẩn về môi trường, hàm lượng hóa chất khắt khe hơn cho hàng Việt. Tương tự Hàn Quốc cũng hoàn toàn có quyền làm điều ấy. Đừng ngộ nhận C/O với tiêu chuẩn hàng hóa của các nước là như nhau.

Bà Phạm Chi Lan: Với RCEP, tôi mừng, nhưng lo cho Việt Nam nhiều hơn - 2

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đừng ngộ nhận C/O với tiêu chuẩn hàng hóa của các nước là như nhau. (Ảnh Hữu Nghị)

RCEP là sân chơi mở rộng của ASEAN với vai trò là trung tâm, cơ hội tăng xuất khẩu của Việt Nam sang các nước này có nhưng chúng ta chưa khai thác hiệu quả. Qua các cơ chế như ASEAN + 1, +3... hàng Việt vẫn khó chen chân vào các thị trường này, theo bà, giải pháp thời gian tới là gì?

Thực tế, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do và là nền kinh tế mở hàng đầu thế giới. Tuy nhiên xét về thực tế thì doanh nghiệp Việt, người dân Việt chưa kiếm tìm được nhiều mà chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề chính là Việt Nam rất hồ hởi tham gia các FTA, nhưng lại thiếu sự chuẩn bị nội lực cho mình.

Chúng ta nói rất nhiều đến tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và chấm dứt tình trạng kéo dài của một "nền kinh tế gia công" nhưng qua bao năm vẫn chưa làm được.

Ngay cả khi chúng ta thu hút được những con "đại bàng" lớn như Samsung, LG, cũng không có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đủ tầm cỡ để họ thực hiện chiến lược nội địa hóa của mình. Rốt cuộc, họ mang rất nhiều doanh nghiệp Hàn ở Trung Quốc hoặc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc vào Việt Nam. Việc này cũng có nhiều người giải thích là theo chuỗi, nhưng đã là doanh nghiệp, thì bản thân không ai muốn đi mua hàng ở xa, mất nhiều chi phí cả.

Thực tế thời gian qua, bản thân nhiều nước không có FTA nhưng nhờ Việt Nam có nhiều FTA nên họ vẫn hưởng lợi.

RCEP là chiến lược gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Thông qua đây Trung Quốc có thể đưa vào các lợi ích của họ như chiến lược "vành đai, con đường", "chuỗi ngọc trai", chuyển nợ, bẫy nợ, chuyển rủi ro xuất xứ. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

Trong RCEP, tôi có đọc khá chi tiết về một số điều khoản đầu tư, trong đó có liên quan đến lĩnh vực an ninh quốc phòng, ta vẫn bảo lưu quyền khước từ chủ động. Đồng thời, đối với một số ngành đặc thù, trong nước dư thừa rồi như xi măng, sắt thép, chỉ cho phép sản xuất để xuất khẩu. Đây có lẽ là cái được nhất và chứng tỏ các nhà đàm phán của Việt Nam đã tính đến rồi.

Tuy nhiên, phải nói là trong quan hệ quốc tế, nhân tố kinh tế ngày càng bị chi phối, ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, tranh giành quyền lực của các nước lớn, thân phận của các nước nhỏ, yếu thế luôn rơi vào các thách thức. Việt Nam và ASEAN nằm cạnh Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và một cường quốc kinh tế nên phải đặt vấn đề vừa hợp tác vừa cạnh tranh.

Với Trung Quốc, họ có chiến lược gia tăng ảnh hưởng, qua chiến lược "vành đai, con đường" mua hàng loạt các cảng biển, xây dựng đường sắt, tham gia vào chuỗi kết nối đường xuyên Á... để gia tăng sự ảnh hưởng, phụ thuộc về kinh tế, chính trị với các nước ASEAN, nơi được xem như cửa ngõ vào Đông Á.

Lâu nay, Việt Nam cũng như một số nước như Indonesia, Malaysia vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc ở khía cạnh nguyên nhiên liệu. Thậm chí khi một số nước ASEAN không còn được vay vốn ODA ưu đãi, cần vốn Trung Quốc thì phải rạch ròi lợi ích kinh tế, tính hiệu quả và đặc biệt cần cảnh tỉnh trước sự cài cắm lợi ích chính trị, trong các dự án kinh tế phức tạp.

Trước đây, vốn Trung Quốc và các đối tác liên quan của họ vào Việt Nam rất ít, chủ yếu là qua vốn tài trợ, liên Chính phủ hoặc do các tổ chức quốc tế như các dự án về Ethanol, đạm - phân bón, rồi đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tuy nhiên, hiện nay họ khôn ngoan hơn, trực diện hơn bằng cách mua lại các doanh nghiệp Việt, đầu tư mở nhà máy.

Trân trọng cảm ơn bà!