Vinamco sắp chi 1.800 tỷ đồng thâu tóm “đại gia” đất vàng Hà Nội
(Dân trí) - Với việc Nhà nước sẽ rút khỏi Hapro – “ông lớn” đất vàng tại Hà Nội, Vinamco đang là ứng viên duy nhất để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Hapro. Với giá khởi điểm 12.800 đồng/cổ phần, Vinamco dự kiến sẽ phải chi tối thiểu hơn 1.800 tỷ đồng cho thương vụ này.
Duy nhất một nhà đầu tư đăng ký làm cổ đông chiến lược
Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) vừa công bố thông tin cho biết, doanh nghiệp này đã tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia làm nhà đầu tư chiến lược của Hapro từ ngày 11/12/2017 đến 17h30 ngày 22/12/2017, thực hiện chốt danh sách và thực hiện xét duyệt hồ sơ theo đúng các tiêu chí đã được UBND Hà Nội phê duyệt.
Tuy nhiên, đến thời hạn 17h30 ngày 22/12/2017 chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ để trở thành cổ đông chiến lược của doanh nghiệp này đó là Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco).
Vinamco có vốn chủ sở hữu 2.507,1 tỷ đồng. Sau khi đánh giá và xét duyệt theo đúng các tiêu chí lựa chọn, Hapro xác định Vinamco đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đề ra để được lựa chọn làm nhà đầu tư chiến lược của tổng công ty này.
Qua quá trình rà soát, thẩm định hồ sơ của Ban chỉ đạo Cổ phần hoá công ty mẹ Hapro (với sự tham gia của Sở Tài chính Hà Nội, Chi cục Tài chính doanh nghiệp, Đảng uỷ khối doanh nghiệp…), ngày 26/1/2018, UBND Thành phố Hà Nội đã có Quyết định số 502 phê duyệt việc lựa chọn và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược khi cổ phần hoá Hapro là Vinamco.
Theo đó, Nhà nước sẽ bán 143 triệu cổ phần, tương đương 65% vốn điều lệ Hapro cho Vinamco với giá bán thoả thuận nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai (IPO).
Nhà đầu tư này phải đăng ký mua đủ số lượng 65% vốn điều lệ Hapro, thực hiện đặt cọc 30% và có thư bảo lãnh của ngân hàng đối với 70% nguồn tài chính đăng ký mua cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (theo giá khởi điểm IPO) tại thời điểm đặt cọc của các nhà đầu tư tham gia phiên IPO này (dự kiến diễn ra vào ngày 30/3/2018).
Mức giá khởi điểm cho phiên bán đấu giá công khai 76 triệu cổ phần Hapro được công bố ở mức 12.800 đồng mỗi cổ phần. Như vậy, để trở thành cổ đông chiến lược của Hapro, Vinamco sẽ phải dự chi tối thiểu là 1.830,4 tỷ đồng cho thương vụ này.
Vinamco từng chi 1.250 tỷ đồng để mua 97,7% cổ phần Vinamotor từ Bộ Giao thông Vận tải và từng có đề nghị muốn tham gia mua tối thiểu 36% cổ phần Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) trong năm 2016.
Đất vàng, đất kim cương trong tay nhưng kinh doanh không ấn tượng
Theo hồ sơ Hapro, doanh nghiệp này đang quản lý và sử dụng một quỹ đất khủng với 120 cơ sở nhà, đất, trong đó, rất nhiều địa chỉ được đánh giá là “đất vàng”, “đất kim cương”.
Có thể kể đến hàng loạt lô đất đặt tại các tuyến phố trung tâm tại Thủ đô Hà Nội như: Khu nhà 5 tầng tại số 7-9 Đinh Tiên Hoàng, Q.Hoàn Kiếm diện tích lên tới 1.130 m2; số 85 Hàng Đào, số 52 Hàng Đậu, số 20 Hàm Long, số 28 Hàng Bồ… ở Q. Hoàn Kiếm; hai lô đất tổng diện tích hơn 435 m2 tại Trung tâm Ngã Tư Sở; nhà số 65 Trần Nhân Tông, số 166A Nguyễn Thái Học, Ki ốt TT Nguyễn Công Trứ…
Ở TPHCM, doanh nghiệp này có toà nhà 5 tầng trên lô đất gần 141 m2 tại số 77-79 Phó Đức Chính, P Nguyễn Thái Bình, Quận 1.
Về phía Hapro, dù hưởng nhiều lợi thế về quỹ đất vàng, sở hữu những thương hiệu tiếng tăm như kem Thuỷ Tạ, vang Thăng Long… thế những hoạt động kinh doanh của Hapro lại không mấy ấn tượng. Năm 2017, Hapro đạt 3.260 tỷ đồng tổng doanh thu, chỉ đạt hơn 91% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận trước thuế 13,6 tỷ đồng, hoàn thành 22,7% kế hoạch và lãi ròng đạt 13,4 tỷ đồng, đạt 27,9% kế hoạch.
Với kế hoạch thoái vốn đặt ra, tạm tính theo giá khởi điểm của phiên IPO, số tiền mà Nhà nước thu được từ cổ phần hoá Hapro sau khi trừ đi các khoản chi theo quy định vào khoảng 2.749 tỷ đồng.
Bích Diệp