Bà Lê Hồng Thủy Tiên vào HĐQT Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói gì?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Bà Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn đều đại diện cho nhóm IPPG cùng một số công ty liên quan là cổ đông lớn tại Sasco. Bà Tiên được đề cử tham gia HĐQT Sasco nhiệm kỳ 2024-2029.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên vào HĐQT Sasco

Sáng nay (10/4), Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco - mã chứng khoán: SAS) tổ chức họp đại hội cổ đông thường niên 2024.

Tại Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) - sở hữu cá nhân 200.000 cổ phiếu. Ông Hạnh cũng đại diện quản lý gần 60,5 triệu cổ phiếu SAS của nhóm cổ đông lớn có liên quan như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG), Công ty cổ phần Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Âu châu (ACFC). Tổng tỷ lệ cổ phần ông Hạnh đại diện và sở hữu cá nhân là 45,44% vốn.

Ngoài ông Johnathan Hạnh Nguyễn, cổ đông lớn khác của Sasco là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), sở hữu 49,07% vốn.

Vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn - bà Lê Hồng Thủy Tiên - sở hữu cá nhân 50.000 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 0,0375%. Bà Thủy Tiên còn là Tổng giám đốc IPPG và người đại diện của DAFC - 2 doanh nghiệp đang là cổ đông lớn của Sasco. Còn ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch IPPG.

Bà Lê Hồng Thủy Tiên vào HĐQT Sasco, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói gì? - 1

Bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Tại phiên họp đại hội này, bà Thủy Tiên được đề cử tham gia HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029. Bà Tiên sinh năm 1970, được giới thiệu có trình độ chuyên môn Cử nhân Kinh tế.

Cùng với bà Tiên, danh sách tham gia HĐQT còn 4 thành viên khác đã đảm nhận vị trí ở nhiệm kỳ trước là ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Thị Diệu Thúy, ông Nguyễn Văn Hùng Cường, ông Lê Anh Tuấn.

Từ năm 2015 đến 2023, mức thù lao thành viên HĐQT được áp dụng là 8 triệu đồng/người/tháng. Đối với năm 2024, mức thù lao này được tiếp tục giữ nguyên.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói thị trường khu vực sân bay Tân Sơn Nhất không phải của riêng Sasco mà có sự cạnh tranh ngày càng khủng khiếp. Việc IPPG (bà Thủy Tiên đại diện - PV) tham gia Sasco không phải nắm quyền điều hành mà muốn hỗ trợ Sasco nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG có 138 thương hiệu kinh doanh hàng miễn thuế, chiếm 40% thị phần và có mối quan hệ hợp tác với nhiều đối tác là công ty bán hàng miễn thuế lớn nhất thế giới. IPPG cũng sẽ đưa thêm nhiều thương hiệu đến với Sasco để củng cố thêm thế mạnh của doanh nghiệp, để Sasco có vị thế vững chắc hơn.

Chủ tịch Sasco động viên cổ đông yên tâm về sự hợp tác giữa IPPG và Sasco, bởi Sasco là người nhà, không phải một khoản đầu tư của IPPG.

Thượng tôn pháp luật, không vì áp lực từ cổ đông mà cố làm 

Hơn một lần, tại họp đại hội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định tôn chỉ thượng tôn pháp luật, làm việc theo đúng hiến pháp và pháp luật, nỗ lực để phát triển. Ông đảm bảo điều này dưới vai trò Chủ tịch Sasco.

Sasco có quỹ đất dự án ở nhiều địa phương như Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc... nhưng chưa triển khai. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói không bán dự án vì không cần tiền, chờ bất động sản hồi phục, chờ giấy phép triển khai. Chủ tịch Sasco kỳ vọng giá trị các dự án sẽ gia tăng gấp đôi, gấp 3 trong thời gian tới. Ông khuyên cổ đông hãy kiên nhẫn chờ đợi.

Năm vừa qua, Lâm Đồng cũng đồng ý cho Sasco tiếp tục triển khai dự án khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Suối Hoa tại TP Đà Lạt. Dự án hơn 131ha này đã được Lâm Đồng giao cho Sasco đầu tư từ năm 2008.

Sasco được yêu cầu phải thực hiện điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 18/12/2018. Đây là điều kiện để công ty có thể tiếp tục triển khai dự án.

Sau 15 năm, Sasco chưa triển khai và có nêu 4 nguyên nhân chưa thể thực hiện dự án . Tại phiên họp đại hội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn có đề cập đến dự án này và khẳng định với những dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, công ty sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết theo quy định để phê duyệt dự án đầu tư.

Chủ tịch Sasco đồng thời khẳng định đã chỉ đạo ban điều hành dự án nào chưa đủ điều kiện pháp lý thì không được lách luật, không được bỏ qua quy trình.

"Chúng ta chỉ làm khi đúng quy định pháp luật, không vì áp lực từ cổ đông mà cố làm. Lâu lâu có những câu hỏi sao để dự án 15 năm chưa làm, nhưng chúng tôi sẽ không làm nếu chưa đủ pháp lý. Không thể dục tốc bất đạt, làm rồi bị thổi còi", ôngJohnathan Hạnh Nguyễn nói.

Dự báo kinh tế tốt hơn nhưng hàng không vẫn đương đầu thách thức

Năm 2023, Sasco đạt doanh thu thuần 2.581 tỷ đồng, tăng 84% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 285,5 tỷ đồng, tăng 36%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) là 1.889 đồng.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 2.788 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng, tăng lần lượt 8% và 3% so với thực hiện năm trước. EPS tương ứng 1.915 đồng.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá năm nay, dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi tốt hơn nhưng ngành hàng không còn đương đầu với nhiều thách thức lớn về giá xăng dầu, tỷ giá, mức độ mở cửa của các nền kinh tế quốc tế trọng điểm.

Đánh giá cơ hội của sân bay Long Thành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói Long Thành sẽ thay thế vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất và tương lai của Sasco ở đó. Sasco có cơ hội tham gia kinh doanh tại Long Thành cùng các đối thủ khác, công ty có tài chính và IPPG sẽ hỗ trợ nếu cần thiết.

Với kết quả kinh doanh năm 2023, công ty dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 18,26% bằng tiền, chia làm 2 đợt. Đợt 1 chi trả 8% (800 đồng/cổ phiếu) và đợt 2 là 10,26% (1.026 đồng/cổ phiếu). Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 và sẽ thực hiện các thủ tục trả cổ tức đợt 2/2023.

Năm 2024, công ty dự kiến tạm ứng cổ tức đợt 1, tỷ lệ 6% bằng tiền (600 đồng/cổ phiếu).