Australia khởi kiện Trung Quốc lên WTO

Hương Vũ

(Dân trí) - Vào hôm 16/12, Australia cho biết, nước này sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) do áp thuế chống phá giá và thuế chống độc quyền đối với sản phẩm lúa mạch của Australia.

Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang ngày càng căng thẳng.

Australia khởi kiện Trung Quốc lên WTO - 1
Australia là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Ảnh: Getty

Bộ trưởng Thương mại Australia - ông Simon Birmingham - hôm 16/12 cho biết, các quan chức Australia đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra về mức thuế thương mại đối với sản phẩm lúa mạch Australia khi bán hàng cho đối tác Trung Quốc.

Theo ông Birmingham, mức thuế bổ sung 80,5% do Trung Quốc áp đặt lên lúa mạch nhập khẩu của Australia là "thiếu cơ sở" và "không có bằng chứng".

Bộ trưởng Thương mại Australia cũng chia sẻ thêm rằng, Australia có các bằng chứng, dữ liệu phân tích và rất tự tin với quyết định của mình.

Hiện, Australia đã thông báo quyết định này đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, việc tiến hành điều tra của WTO theo cáo buộc từ Australia sẽ có thể kéo dài nhiều năm.

"Đây là một vụ kiện thực sự quyết liệt", Bộ trưởng Birmingham nhấn mạnh. "Mặc dù quy trình giải quyết tranh chấp của WTO thường tốn nhiều thời gian, tuy nhiên, nó lại là bước đi thích hợp cho Australia vào thời điểm này", ông Birmingham cho biết thêm nước này có thể hành động thêm ở các lĩnh vực khác.

Australia là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất của Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 1,5- 2 tỷ AUD/ năm. Thậm chí, giới chức Australia cũng từng thừa nhận Trung Quốc là một đối tác quan trọng và khó thể thay thế được, trong khi đó, Trung Quốc lại được mời chào bởi rất nhiều quốc gia trên khắp thế giới.

Australia khởi kiện Trung Quốc lên WTO - 2
Quy trình điều tra của WTO có thể mất hàng năm trời. Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, kể từ năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành điều tra sau cáo buộc cho rằng vào năm 2017, các nhà sản xuất lúa mạch Australia nhận trợ cấp của chính phủ để có thể bán với giá thấp hơn thị trường trong nước sang Trung Quốc.

Đặc biệt, đến tháng 5 năm nay, đúng vào thời điểm Australia là một trong những quốc gia đi đầu trong cộng đồng quốc tế ủng hộ đề xuất mở cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của dịch Covid-19, Trung Quốc cũng tuyên bố áp thuế 80,5% đối với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Australia khiến bị phá giá và gây thiệt hại đến ngành nông nghiệp nội địa.

Mức thuế trên đã có hiệu lực kể từ ngày 19/5, và kéo dài trong vòng 5 năm, bao gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.

Kể từ đầu năm đến nay, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng hơn. Theo Bloomberg, đã có ít nhất 13 mặt hàng xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đang bị áp mức thuế cao hoặc bị hạn chế nhập khẩu như lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, rượu, lúa mì, len hay các lĩnh vực trọng yếu như du lịch và giáo dục.

Giờ đây, dù đã có thông báo từ Bộ trưởng Thương mại Birmingham, giới chuyên gia vẫn cho rằng, Canberra vẫn không coi giải pháp tối ưu là đưa các mâu thuẫn lên WTO do lo ngại quy trình giải quyết tốn nhiều thời gian, và khiến cho Australia dễ bị đáp trả và khiến mối quan hệ ngoại giao hai nước không mấy tốt đẹp.