Ai là người chịu tổn hại nhất khi căng thẳng Trung - Úc leo thang?
(Dân trí) - Theo SCMP nhận định, căng thẳng leo thang giữa hai nước giờ đây còn vượt ra cả thương mại.
Khi Australia (Úc) bày tỏ sự đồng thuận đối với quan điểm của Mỹ trong cuộc chiến với Trung Quốc để giành ảnh hưởng trong khu vực, Bắc Kinh đã nhanh chóng ngăn chặn việc nhập khẩu hàng tỷ USD hàng hóa của Úc, đồng thời mở cửa cho những mặt hàng tương tự từ các quốc gia khác.
Giờ đây, tại các siêu thị và nhà hàng của Trung Quốc, tôm hùm Úc - món ăn phổ biến trên những bàn tiệc sang trọng đã không được bày bán trên kệ hay ghi trong thực đơn do mặt hàng này vướng phải lệnh cấm nhập khẩu. Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có thể chọn tôm hùm Mỹ thay thế. Đây là kết quả đạt được từ thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trị giá 36 tỷ USD.
Không những vậy, ngay sau khi Trung Quốc cấm nhập khẩu than đá của Úc, các thương nhân Trung Quốc đã chuyển hướng đến Indonesia và các quốc gia khác để tìm nguồn cung mới.
Thương mại chịu áp lực
Theo SCMP nhận định, căng thẳng leo thang giữa hai nước giờ đây còn vượt ra cả thương mại. Theo các chuyên gia, Trung Quốc chỉ đang cố gắng xóa bỏ tầm ảnh hưởng của Úc trong thị trường nội địa. Tuy nhiên, không ai khác, chính những người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là "nạn nhân" của chiến lưc này.
Mâu thuẫn hai bên nổ ra vào năm 2018, khi phía Canberra bất ngờ tuyên bố cấm Huawei - tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc - tham gia vào việc xây dựng mạng lưới 5G của nước này. Không những vậy, Úc cũng đưa ra luật cấm các nhà chủ thể nước ngoài can thiệp vào tình hình trong nước.
Đến tháng 6/2019, Viện Lowy công bố khảo sát cho thấy mức độ tin tưởng Trung Quốc sẽ "hành xử có trách nhiệm" trong người dân Úc là thấp nhất 15 năm qua. Khảo sát này được đưa ra sau khi Úc lên tiếng ủng hộ người biểu tình Hồng Kông.
Vào đầu năm nay, Úc cũng rất tích cực và là một trong số những quốc gia đầu tiên kêu gọi thế giới điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19 - một động thái được Trung Quốc coi là "tổn hại đến quan hệ song phương".
Tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh cũng đáp trả với hàng loạt cáo buộc cho rằng Canberra đã "nhúng tay" vào chuyện nội bộ của nước này, tiêu biểu là những vấn đề về Hồng Kông và Tây Tạng.
Tại mỗi vấn đề, phía Canberra lại cùng chung quan điểm với Washington. Chính vì lẽ đó, Tung Quốc ban lệnh cấm nhập khẩu cũng như áp thuế cao lên hàng tỷ USD hàng hóa từ Úc. Trung Quốc đã áp mức thuế 212% lên rượu của Úc.
Tháng 10, Trung Quốc tung ra đòn mạnh nhắm vào than, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Úc vào nước này. Nối tiếp đó, chính quyền Trung Quốc đã ngăn các nhà nhập khẩu mua hàng hóa của Úc.
Hiệp hội Vận tải và Phân phối Than Trung Quốc ký thỏa thuận không ràng buộc với Indonesia để mua than của nước này trong 3 năm tới. Thương nhân than Trung Quốc cũng đang xoay sang những nước khác tìm nguồn cung, như Mông Cổ.
Thỏa thuận than với Indonesia cũng là một ví dụ cho thấy cách Trung Quốc thu hút các quốc gia, đặc biệt là ASEAN và đảo quốc Thái Bình Dương, bằng những lời hứa hẹn đầu tư và thương mại.
Theo nhận định từ ông Adam Ni, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Trung tâm Chính sách Trung Quốc tại Canberra, Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng việc sử dụng các hình phạt.
"Trong tương lai, chúng ta sẽ thấy Trung Quốc đang ngày càng tiếp cận với các nước ASEAN và các nước trên thế giới. Đồng thời, Trung Quốc đang dùng thương mại và các khía cạnh khác nhằm trừng phạt các quốc gia có vẻ như đang đứng về phía Mỹ nhằm chống lại họ", ông Ni nhấn mạnh.
Ai là người bị tổn hại?
Theo ông Ni, Trung Quốc có thể dễ dàng tìm được sản phẩm thay thế cho những mặt hàng bị cấm nhập khẩu, thậm chí là từ những đồng minh của Canberra. Tuy nhiên, chính ông Ni lại cho rằng, chiêu bài dùng áp lực kinh tế và thương mại của Trung Quốc sẽ không có kết quả tốt đẹp.
Đó là bởi theo thời gian dài, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng khi phải tìm các sản phẩm thay thế với giá đắt hơn hoặc chất lượng kém hơn.
"Cuộc họp đặc biệt cấp thứ trưởng về Covid-19" với 10 quốc đảo Thái Bình Dương cho thấy dấu hiệu của Trung Quốc trong việc nỗ lực giành được tầm ảnh hưởng trong khu vực. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nước này đã nhắc lại lời hứa cung cấp vaccine Covid-19 giá cả phải chăng cho các nước đang phát triển, bao gồm những quốc đảo trên.
SCMP nhận định, Trung Quốc cũng tận dụng cơ hội để tìm sự hậu thuẫn chính trị trong các vấn đề không liên quan đến đại dịch, bao gồm việc tái xác nhận nguyên tắc một quốc gia.
Sau cuộc họp trên, Trung Quốc cũng đã nhận được những lời cam kết sẽ "hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm của các bên" từ 10 quốc đảo Thái Bình Dương. Đây là cụm từ Trung Quốc đã dùng để đáp lại những chỉ trích từ phía Mỹ và Úc về vấn đề Hồng Kông và Tân Cương.
Từ bảng Chỉ số Quyền lực châu Á do Viện Lowy công bố hồi tháng 10 cho thấy, những nỗ lực của Trung Quốc đang có những dấu hiệu tốt khi Trung Quốc là quốc gia có sức ảnh hưởng lớn thứ hai trong khu vực, chỉ xếp sau Mỹ. Úc tại bảng dánh sách trên, đứng thứ 6.
Bảng xếp hạng này được đánh giá dựa trên 8 lĩnh vực, trong đó có văn hóa, ảnh hưởng ngoại giao, khả năng quân sự và kinh tế. Xếp hạng cao nhất của Canberra là về mạng lưới quốc phòng trong khu vực. Nước này đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, theo báo cáo.
Nhà kinh tế học kiêm Giám đốc Nhóm Chiến lược Australia - ông Dominic Meagher - cho biết, mặc dù Trung Quốc thực hiện một số bước để chuẩn bị cho mối quan hệ đang xấu đi với Úc, dường như nước này chỉ chủ yếu tập trung vào tìm kiếm nguồn cung hàng hóa thay thế. Trong khi đó, Úc đang duy trì ảnh hưởng của mình bằng cách tập hợp các đối tác chiến lược.
"Quốc hội Úc đã và đang xem xét các phương án nhằm phục hồi chuỗi cung ứng và đa dạng hóa xuất khẩu để chuẩn bị cho việc quan hệ hai bên ngày càng xấu đi. Chính phủ Úc đầu tư rất nhiều vào các nỗ lực ngoại giao với các nước khác trong khu vực, cũng như bạn bè và đồng minh trong khu vực", ông Meagher chia sẻ.
"Nhiều quốc gia đang tích cực tìm lựa chọn thay thế cho thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Một khi Trung Quốc chọn tiếp tục sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại để trừng phạt vì nguyên nhân chính trị, những bên muốn làm ăn lâu dài với Trung Quốc sẽ không sẵn lòng theo đuổi việc đó nữa", ông Meagher nhận định.