Apple toan tính gì khi "rót" 1 tỷ USD vào đối thủ cạnh tranh của Uber tại Trung Quốc?
(Dân trí) - Gần đây, việc Apple đầu tư khoản tiền lên tới 1 tỷ USD vào Didi Chuxing, một dịch vụ chia sẻ xe gần giống với Uber tại Trung Quốc một bất ngờ lớn và để lại nhiều câu hỏi cho giới chuyên môn.
Thứ nhất số tiền 1 tỷ USD là không hề nhỏ, ngay cả đối với công ty có vốn hoá lớn như Apple.
Thứ hai, Apple đang đầu tư vào một công ty dịch vụ của Trung Quốc. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đây. Trong quá khứ, mặc dù họ từng đầu tư vào nhiều nhà cung cấp tại Trung Quốc nhưng không ai trong số này là các công ty dịch vụ của Trung Quốc.
Vậy tại sao Apple lại mạnh tay rót vốn vào một công ty Trung Quốc trong thời điểm này? Dưới đây là những nhận định được đưa ra lý giải cho động thái đầu tư cho Didi của Apple:
1. Apple đang nghiêm túc trong lĩnh vực giao thông vận tải
Apple từ lâu đã được cho là đang cố che giấu "bí mật mở" của họ là nghiên cứu và sản xuất xe hơi. Điều này được CEO Tesla là Elon Musk hay chính CEO Tim Cook tiết lộ trong những lần phát biểu của mình.
Động thái đầu tư 1 tỷ USD vào Didi Chuxing càng cho thấy Apple đang nghiêm túc hơn bao giờ hết trước lĩnh vực giao thông vận tải, và họ không thể rụt rè trong dự án xe hơi của mình thêm nữa.
Rất có khả năng trong một vài năm tới, công nghệ tự lái sẽ bắt tay với các dịch vụ bắt xe như Uber để tạo ra những cách thức mới trong việc di chuyển. Nếu như xu thế này thành hiện thực thì việc Apple "kết bạn" với các dịch vụ như Didi Chuxing là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là cách thức để họ nắm lấy tương lai của chính mình.
2. Dịch vụ của Apple sẽ không chỉ bao gồm iCloud
Apple đang cố gắng nhấn mạnh phát triển thị phần "dịch vụ" từ đầu năm nay, khi các doanh số bán hàng phần cứng của họ bao gồm iPhone, iPad và máy Mac đang có những dấu hiệu chậm lại. Theo đó, các nhà đầu tư bắt đầu chuyển sang tập trung vào các dịch vụ Internet của Apple như iCloud, App Store và Apple Music.
Thế nhưng sẽ ra sao nếu như dịch vụ kinh doanh của Apple trong tương lai sẽ đi xa hơn cả những ứng dụng Internet mà chúng ta vẫn biết? Didi Chuxing có thể sẽ là người mở đầu cho sự thay đổi của Apple trong năm nay, khi mà họ từ lâu vẫn được biết đến như một công ty dịch vụ hơn là công ty công nghệ thông thường.
3. Tiền của Apple đang được tung ra thị trường đầu tư, đặc biệt là các công ty nước ngoài
Thỏa thuận đầu tư của Apple với Didi chỉ mất 22 ngày để đi đến thành công, và rõ ràng CEO Tim Cook đang muốn thực hiện các giao dịch đầu tư một cách "chớp nhoáng". Apple đang có trong tay dự trữ tiền mặt và từ thị trường chứng khoán lớn hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới, với thống kê vào khoảng 250 tỷ USD. Do đó 1 tỷ USD tiền đầu tư, ngay cả khi nó dành cho các đối thủ cạnh tranh có thể cũng đáng giá hơn so với việc họ phải đóng thuế.
Trên thực tế có rất nhiều công ty Mỹ đang tích cực đầu tư mạnh tại các thị trường nước ngoài, và người đi đầu không ai khác chính là Apple. Nếu mang tiền về Mỹ, họ sẽ đối mặt với khoản tiền thuế khổng lồ 35%. Mặt khác, việc đầu tư vào một dịch vụ đang phát triển mạnh mẽ như Didi Chuxing với tiềm năng sẽ trở thành đối tác tương lai của Apple có thể sẽ giúp họ nhận được "trái ngọt" trong tương lai.
4. Uber từ bạn thành đối thủ của Apple
Trước đây có nhiều dự đoán cho rằng Tesla, hãng sản xuất xe hơi điện hàng đầu ở Mỹ sẽ là đối thủ cạnh tranh số 1 của Apple nếu như nhà sản xuất này bắt tay vào lĩnh vực xe hơi. Thế nhưng các nhận định gần đây lại cho thấy rằng Uber mới là đối thủ lớn nhất của Apple, khi mà họ (Uber) đang dần thay đổi nhận thức và xu thế của thế giới về xe hơi. Tại các quốc gia phát triển như Mỹ, hay các thị trường mới nổi như Trung Quốc, người ta ngày càng thấy được sự thuận tiện của mô hình Uber so với việc sở hữu một chiếc xe hơi, và điều này sẽ dần hướng đến một thế giới không có chủ sở hữu ô tô.
Mặc dù CEO Tim Cook lại đang giữ một mối quan hệ khá tốt và thường xuyên gặp mặt CEO Uber Travis Kalanick tại các sự kiện, tuy nhiên với việc đầu tư mạnh vào đối thủ trực tiếp của Uber tại Trung Quốc, đây có thể là lần cuối cùng người ta bắt gặp sự thân thiện giữa 2 vị lãnh đạo này.
Apple đã có một quá khứ "vừa làm bạn, vừa là đối thủ" của nhiều công ty lớn khác, mà đáng chú ý nhất là Google. Cựu CEO của Google là Eric Schmidt đã từng làm việc một thời gian dài tại Apple trước khi ông này bị buộc thôi việc vì Google bắt đầu phát triển hệ điều hành riêng của mình (Android), như một sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với Apple.
5. Trung Quốc vẫn là thị trường ưu tiên số 1 của Apple
Một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Apple là Carl Icahn đã "bán tháo" toàn bộ cổ phần của mình tại Apple vì lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ suy thoái.
Bên cạnh đó vào đầu tháng này, tờ Reuters đưa tin rằng CEO Tim Cook có một chuyến bay tới Trung Quốc nhằm đàm phán với các quan chức chính phủ Trung Quốc sau khi 2 dịch vụ của họ là iTunes và iBooks bất ngờ bị cấm tại Trung Quốc.
Những sự việc này cho thấy Apple rõ ràng là đang có mối liên quan mật thiết tới Trung Quốc. Trên thực tế, họ (Apple) là thương hiệu công nghệ Mỹ thành công nhất tại đất nước này với nguồn doanh thu hơn 59 tỷ USD từ riêng thị trường Trung Quốc trong năm ngoái.
Có vẻ như chiến lược của Apple hiện nay là đầu tư mạnh vào các công ty địa phương Trung Quốc, gia tăng mối quan hệ song phương, thậm chí là bày tỏ sự thân thiện bằng cách đầu tư mạnh cho một công ty dịch vụ nội địa. Động thái này của Apple chắc chắn sẽ rất được lòng các đại gia Trung Quốc như Tencent và Alibaba, cũng là 2 cổ đông lớn của Didi Chuxing.
Nguyễn Nguyễn