APEC dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài

(Dân trí) - Năm 2016, tăng trưởng khu vực các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào khoảng 3,3%, cao hơn mức 3,1% của thế giới, dù thấp hơn con số 3,5% của năm 2015. APEC cũng tiếp tục dẫn đầu thế giới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Đây là thông tin được Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) đưa ra trong ngày 27/2 tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Kinh tế (EC). Phiên họp nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC 2017 (SOM 1) đang diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa. PSU cũng đưa ra nhận định: tăng trưởng APEC trong giai đoạn từ nay đến năm 2019 dự báo tăng nhẹ và ngày càng ổn định, dù còn nhiều yếu tố bất định.

Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC tham gia phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Kinh tế trong năm 2017
Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC tham gia phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban Kinh tế trong năm 2017

Trong phiên toàn thể đầu tiên của Ủy ban EC, các đại biểu đã thảo luận tình hình hợp tác APEC trong các lĩnh vực thuận lợi hoá kinh doanh, quản trị và luật doanh nghiệp, cải cách hành chính, quản trị nhà nước. Phiên họp cũng đánh giá triển vọng kinh tế khu vực, với sự đóng góp của các chuyên gia từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU) và Viện Quản lý kinh tế Trung ương Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ SOM 1, trong ngày 27/2, diễn ra phiên đầu tiên của Cuộc họp Nhóm Điều phối kinh tế mạng (AHSGIE). Đây là dịp để các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo các nguyên tắc APEC, hướng tới xây dựng một lộ trình APEC về kinh tế mạng trong năm 2017.

Các đại biểu trao đổi bên lề Cuộc họp Nhóm Điều phối Kinh tế mạng của APEC
Các đại biểu trao đổi bên lề Cuộc họp Nhóm Điều phối Kinh tế mạng của APEC

AHSGIE được biết là một trong những cơ chế mới của APEC thành lập hồi năm 2015 nhằm thảo luận thúc đẩy hợp tác APEC trong các vấn đề liên quan nền kinh tế số/kinh tế mạng; đồng thời, điều phối các sáng kiến APEC nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua kinh tế số và kinh tế mạng.

Đối với Việt Nam, kinh tế mạng cũng là một lĩnh vực có nhiều tiềm năng phát triển. Theo báo cáo của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong vòng 5 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD, với mức tăng trưởng 30 – 50% mỗi năm.

Khánh Hiền