Áp lực trả nợ dồn dập, bầu Đức tính bán 35 triệu cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai
(Dân trí) - Bầu Đức cho biết sẽ dùng 35 triệu cổ phiếu HAG để làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay. Trong khi đó, vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai tại ngày 30/9 đã tăng vượt mức 5.000 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán HAG) vừa có thông báo gửi Uỷ ban Chứng khoán và Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về vấn đề giao dịch cổ phiếu của người nội bộ.
Tại thông báo này, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết sẽ chuyển nhượng/bán ra 35 triệu cổ phiếu HAG thuộc sở hữu của cá nhân ông Đức, mục đích giao dịch nhằm làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay.
Giao dịch dự kiến sẽ được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 13/11-12/12/2020. Tuy nhiên hiện thị trường chưa rõ số cổ phiếu này sẽ được bầu Đức chuyển nhượng cho ai.
Nếu giao dịch diễn ra thuận lợi, sở hữu của ông Đoàn Nguyên Đức tại Hoàng Anh Gia Lai sẽ giảm từ 377 triệu cổ phiếu HAG (chiếm tỉ lệ 40,62%) xuống còn 342 triệu cổ phiếu HAG (chiếm tỉ lệ 36,85%).
Đáng nói là không lâu trước đó, trong ngày 29/10/2020, ông Đức đã mua thành công 50 triệu cổ phiếu HAG cũng theo phương thức thỏa thuận.
Dữ liệu của phiên này cho thấy, có tổng cộng 64,1 triệu cổ phiếu HAG đã được giao dịch bằng phương thức thỏa thuận với tổng trị giá trị là 307,6 tỷ đồng. Tính ra, giá thoả thuận bình quân trong phiên là 4.800 đồng/cổ phiếu, cao hơn so với giá chốt phiên 29/10 của HAG là 4.450 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, ở đợt giao dịch ngày 29/10, bầu Đức có thể đã phải chi ra khoảng 240 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ mua vào 50 triệu cổ phiếu HAG.
Theo báo cáo tài chính quý 3 của Hoàng Anh Gia Lai, tại ngày 30/9, tổng nợ phải trả của Hoàng Anh Gia Lai ở mức 26.346,4 tỷ đồng, tăng 4.522,7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 11.298,9 tỷ đồng, tăng 3.209,1 tỷ đồng và đã vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn là 9.105,2 tỷ đồng.
Đáng chú ý là vay ngắn hạn tại ngày 30/9 đã tăng hơn 1.395 tỷ đồng sau 9 tháng lên mức 5.147,6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị khoản vay dài hạn cũng tăng mạnh 2.446,4 tỷ đồng so với đầu năm lên 13.392 tỷ đồng (chiếm phần lớn trong giá trị tổng nợ dài hạn là 14.047,5 tỷ đồng).
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, áp lực trả nợ vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai đã gia tăng đáng kể. Khoản vay ngắn hạn ngân hàng tăng lên 1.520,8 tỷ đồng và còn phát sinh thêm khoản vay dài hạn tổ chức, cá nhân khác đến hạn trả là 1.494,7 tỷ đồng. Vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả là 1.145,6 tỷ đồng.
Về khoản vay tại Trường Hải, nếu như thời điểm 30/9, Hoàng Anh Gia không còn ghi nhận khoản vay ngắn hạn 897,5 tỷ đồng với Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải như đầu năm thì lại phát sinh khoản vay ngắn hạn 563 tỷ đồng đối với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải.
Thêm vào đó, Hoàng Anh Gia Lai còn phát sinh thêm hai khoản vay dài hạn với Công ty cổ phần Nông nghiệp Trường Hải là 2.185,9 tỷ đồng và Công ty cổ phần Ôtô Trường Hải là 1.918,9 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn của bầu Đức ghi nhận doanh thu thuần tăng 47% so cùng kỳ, lên hơn 2.171 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 80 tỷ đồng so với mức lãi ghi nhận trong cùng kỳ là 853 tỷ đồng. Lỗ hợp nhất trước thuế hơn 701 tỷ đồng.
Theo kế hoạch mà Hoàng Anh Gia Lai đặt ra cho năm 2020 thì tập đoàn dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần là 5.082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, giảm lỗ so với mức lỗ 1.809 tỷ đồng của năm 2019. Như vậy, sau 9 tháng kinh doanh, Hoàng Anh Gia Lai đã lỗ vượt dự kiến.