1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chứng khoán 8/9:

Áp lực bán tháo đè nặng nhưng sẽ có hồi phục trong phiên?

Mai Chi

(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng VN-Index sẽ được hỗ trợ và hồi phục kỹ thuật từ vùng quanh 1.230 điểm nhưng cần chú ý vùng cản quanh 1.260 điểm nếu nhịp hồi phục kỹ thuật diễn ra.

Nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường cân bằng cung - cầu

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Nối tiếp áp lực bán dâng lên cuối phiên trước, sắc đỏ đã xuất hiện từ khi chỉ số mở cửa và kéo dài đến hết ngày. Thanh khoản đạt trên 20.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 40% so với hôm trước, trong đó, lực bán chủ động gia tăng trong nửa cuối phiên chiều khiến hầu hết nhóm ngành giảm điểm và chỉ còn một số cổ phiếu riêng lẻ tăng giá.

Mặc dù chỉ số giảm khá mạnh trên 2%, nhưng Agriseco Research cho rằng đây là điều cần thiết để thị trường cân bằng cung - cầu, sau 8 tuần liên tiếp VN-Index đóng cửa với nến xanh.

Áp lực bán tháo đè nặng nhưng sẽ có hồi phục trong phiên? - 1

Đồ thị kỹ thuật VN-Index (Ảnh chụp màn hình).

Quan sát đồ thị ngày, xu hướng ngắn hạn của VN-Index đảo chiều giảm giá, đồng thời cây nến Marubozu đỏ xuất hiện và chỉ số đóng cửa dưới vùng 1.250 điểm với thanh khoản khá cao cho thấy áp lực bán đồng thuận của nhà đầu tư. Vùng 1.230 điểm đang được bảo toàn và có thể là hỗ trợ trung hạn của thị trường trong các phiên giao dịch tới.

Nhà đầu tư nên thận trọng quan sát diễn biến của chỉ số và có thể cơ cấu tăng tỷ trọng tiền mặt tại các nhịp hồi phục. Trong trường hợp chỉ số lui về quanh ngưỡng hỗ trợ trung hạn, nhà đầu tư có thể giải ngân lấy vị thế với một số cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được giao dịch tại các vùng hỗ trợ mạnh.

Giai đoạn "khó nhằn" cho lướt sóng ngắn hạn nhưng thích hợp để tích lũy dài hạn

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

VN-Index đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ "mềm" 1.250 điểm và đang có xu hướng kiểm tra vùng 1.220-1.230 điểm.

VCBS cho rằng giai đoạn hiện tại vẫn khá "khó nhằn" với những nhà đầu tư theo trường phái lướt sóng ngắn hạn nhưng lại là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư dài hạn gia tăng tích lũy các cổ phiếu có triển vọng tăng trưởng với giá đang bị chiết khấu theo thị trường chung, trong đó một số nhóm ngành tiềm năng trong năm nay có thể là dầu khí, bất động sản, bán lẻ,...

VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.225-1.230 điểm

Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS)

VN-Index sau nhiều phiên liên tiếp không vượt được vùng kháng cự 1.285 điểm, đã chịu áp lực bán mạnh đột biến khi lần lượt mất các vùng hỗ trợ 1.270 điểm, 1.260 điểm và 1.250 điểm. Kết phiên VN-Index giảm mạnh 2,68% xuống mức 1.243,17 điểm với khối lượng giao dịch gia tăng đột biến hơn 48% so với phiên trước. Phiên giảm điểm này gần như lấy đi hầu hết thành quả tăng điểm của 4 tuần qua.

Phiên giảm mạnh với khối lượng đột biến này dẫn đến VN-Index mất vùng hỗ trợ của kênh tăng trưởng ngắn hạn nối các vùng đáy 1.243-1.245 điểm ngày 11/7; 1.178,58 điểm ngày 27/7 và 1.249,17 điểm giá thấp nhất ngày 29/8. Như vậy xu hướng phục hồi tăng ngắn hạn này đang chấm dứt.

Trong ngắn hạn, VN-Index tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về vùng 1.225-1.230 điểm và kỳ vọng trong những phiên tới, VN-Index vẫn có phục hồi kiểm tra lại vùng kháng cự của trend-line này, tương ứng vùng 1.255-1.265 điểm. Để các vị thế ngắn hạn tiếp tục cơ cấu danh mục nếu có.

Trên góc nhìn dài hạn, thị trường vẫn đang tích lũy trên nền định giá ở mức thấp so với trung bình 5 năm gần nhất, trong bối cảnh tăng trưởng nền kinh tế vẫn được duy trì. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn đang ở mức cao, nhất là sau khi áp dụng chu kỳ T+2, các vị thế lướt sau 5 vòng giao dịch T2 không mang lại nhiều lợi nhuận đã dẫn đến áp lực bán mạnh.

Vì vậy, nhà đầu tư nên duy trì tỉ trọng hợp lý, cơ cấu loại bỏ các mã yếu kém hơn so với thị trường chung khi thị trường hồi phục.

Tín hiệu cần thận trọng

Công ty Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường giảm mạnh nhất 2 tháng qua và thanh khoản tăng đột biến là biểu hiện của áp lực bán gia tăng hoặc bán cắt lỗ sau chuỗi đi ngang kéo dài 3 tuần vừa qua. Mặc dù, chỉ số chung mới giảm mạnh ở phiên hôm qua nhưng cũng đủ để xóa sạch thành quả 3 tuần trước đó.

Đối với mặt bằng cổ phiếu, áp lực giảm còn mạnh hơn do thị trường vẫn duy trì được sự phân hóa và dòng tiền liên tục luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu.

Nhịp giảm của thị trường là hoàn toàn bình thường sau khi chứng khoán thế giới đã giảm mạnh ở tuần trước, sự kỳ vọng của nhà đầu tư về câu chuyện room tín dụng cũng không có nhiều tác động đến nhóm cổ phiếu ngân hàng trong các phiên gần đây.

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index giảm với cường độ mạnh kèm theo thanh khoản lớn là tín hiệu cần thận trọng, đặc biệt nhịp giảm diễn ra sau chuỗi đi ngang 3 tuần liền. Với phiên giảm này, chỉ số VN-Index đã đánh mất ngưỡng MA100 và có thể test lại ngưỡng MA50 trong các phiên tiếp tới.

Quan sát mốc 1.250 điểm của VN-Index

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC)

Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn tất cả các chỉ số cùng chuyển xuống mức tiêu cực sau khi vi phạm hỗ trợ MA20 ngày. Đáng chú ý, với việc đóng cửa dưới MA50, HNX-Index là chỉ số đầu tiên chuyển tín hiệu trung hạn xuống tiêu cực trong khi các chỉ số còn lại giữ trạng thái trung tính.

Dự báo trong phiên 8/9, thị trường có thể có quán tính giảm giá trong phiên sáng, trong đó VN-Index có xu hướng kiểm định hỗ trợ tại 1225-1230 điểm còn VN30 kiểm định hỗ trợ mạnh MA50 tại 1260-1265 điểm.

Lực mua được kỳ vọng tiếp tục được thúc đẩy từ hỗ trợ để đối trọng với lực bán ra. Nếu lực mua đủ mạnh để chiếm ưu thế trở lại, thị trường sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật vào cuối ngày. Theo đó, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại mốc 1250 điểm của đường MA100 vừa đánh mất hoặc khả quan hơn là 1270 điểm của MA20. Tuy nhiên, nếu chỉ số sàn HoSE này không thể đóng cửa trên 1250 điểm, xác suất chỉ số sẽ tiếp tục đà giảm ở các phiên sau đó sẽ cao hơn khả năng tiếp tục phục hồi.

VN-Index sẽ được hỗ trợ và hồi phục kỹ thuật từ vùng quanh 1.230 điểm

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC)

Sau 4 phiên liên tiếp thất bại trong việc vượt cản 1.283 điểm của VN-Index và áp lực cung dần tăng, thị trường đã "gục ngã" với mức giảm điểm mạnh và xuyên qua vùng 1.260 điểm của VN-Index.

Với quán tính giảm điểm vẫn đang hiện hữu (nến Marubozu đi kèm với thanh khoản lớn), có khả năng thị trường sẽ tiếp tục chịu sức ép trong đầu phiên giao dịch kế tiếp. Dự kiến, VN-Index sẽ được hỗ trợ và hồi phục kỹ thuật từ vùng quanh 1.230 điểm. Tuy nhiên, cần chú ý vùng cản quanh 1.260 điểm nếu nhịp hồi phục kỹ thuật diễn ra.

Do vậy, nhà đầu tư nên chậm lại và quan sát diễn biến giao dịch của thị trường. Đồng thời, nên tận dụng nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Lưu ý: Khuyến cáo từ các công ty chứng khoán trên đây chỉ mang tính chất tham khảo đối với nhà đầu tư. Các công ty chứng khoán cũng đã tuyên bố miễn trách nhiệm với các nhận định trên.