1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Áp dụng phiếu đi chợ ở Hà Nội: Người mua, người bán cần lưu ý gì?

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Người dân không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly. Hộ kinh doanh chỉ bán các mặt hàng thiết yếu.

Áp dụng phiếu đi chợ ở Hà Nội: Người mua, người bán cần lưu ý gì? - 1

Để giảm thiểu tối đa lượng người đi ra chợ, tránh tập trung đông người, nhiều người dân Hà Nội đã được phát phiếu đi chợ (Ảnh: H.Q).

Các vấn đề cần lưu ý với hộ kinh doanh, người đi chợ bằng thẻ 

Ngày 29/7, hai Bộ Công Thương - Y tế tổ chức họp trực tuyến cùng hướng dẫn các địa phương cách phòng chống dịch bệnh tại chợ truyền thống.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), "Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ" đã được Bộ Công Thương phối hợp xây dựng và Bộ Y tế ban hành (Cụ thể là Công văn 5858).

Ngay sau khi Bộ Y tế ban hành, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo sở công thương các tỉnh/thành phố để phổ biến, áp dụng.

"Hướng dẫn này áp dụng đối với các địa phương hiện đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và áp dụng cho các chợ (bao gồm cả chợ đầu mối và chợ bán lẻ). Các nội dung yêu cầu nhằm bảo đảm công tác phòng, dịch tại chợ đối với các tổ chức, cá nhân liên quan gồm: đơn vị quản lý chợ; hộ kinh doanh/người kinh doanh/người lao động, khách hàng mua bán tại chợ; UBND các cấp được phân cấp quản lý chợ. Hướng dẫn đã được xây dựng rất cụ thể, chi tiết", ông Tuấn cho biết.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Y tế đã hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19 tại chợ trong thời gian áp dụng Chỉ thị số 16.

Trong đó, đối với hộ kinh doanh, cơ quan chức năng yêu cầu chỉ bán các mặt hàng thiết yếu, tuân thủ việc sắp xếp bảo đảm khoảng cách, quy định về an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, các hộ ký cam kết thực hiện tuân thủ các quy định, hướng dẫn về phòng chống dịch và các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm;

Thứ ba, quản lý thông tin người lao động/làm việc, người bán hàng, yêu cầu thông báo khi có tiếp xúc với các trường hợp F0 hoặc F1.

Thứ tư, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch vệ sinh khử khuẩn hàng ngày, thông thoáng, khoảng cách, có biển thông báo số điện thoại liên hệ khi cần thiết

Thứ 5, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng; hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách tối thiểu.

Thứ 6, nhắc nhở khách hàng luôn đeo khẩu trang, tuân thủ khoảng cách.

Thứ 7, thường xuyên tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm

Thứ 8, bản thân thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như hướng dẫn với người bán hàng.

Áp dụng phiếu đi chợ ở Hà Nội: Người mua, người bán cần lưu ý gì? - 2

Các hộ kinh doanh chỉ bán các mặt hàng thiết yếu ở chợ.

Còn đối với khách hàng và người lao động, Bộ Y tế cho biết cần lưu ý 6 điểm trước khi đến chợ. Trong đó, lưu ý đầu tiên là không được đến chợ nếu có một trong các triệu chứng hoặc đang trong thời gian cách ly.

Thứ hai, phải khai báo y tế hàng ngày, thực hiện 5K.

Thứ ba, thông báo ngay nếu phát hiện bản thân hoặc người có triệu chứng.

Thứ tư, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi di chuyển đến chợ và ngược lại.

Thứ 5, người lao động ký cam kết thực hiện, tuân thủ quy định, hướng dẫn phòng chống dịch và tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm.

Thứ 6, khách hàng đi chợ theo đúng ngày được quy định và nộp thẻ vào chợ tại cổng.

Giải quyết vấn đề không cứng nhắc, cần có sự linh hoạt

Tại hội nghị, ông Trần Anh Dũng - Trưởng phòng Quản lý Sức khỏe môi trường và hóa chất (Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế) - nhấn mạnh, hướng dẫn theo Công văn 5858 chỉ áp dụng tại các địa phương theo Chỉ thị 16.

Đối với thẻ đi chợ, tùy theo thực tế địa phương có thể điều chỉnh cho phù hợp một thẻ có thể đi nhiều chợ.

Về kinh phí test nhanh, theo Công văn 5858, tùy theo địa phương để áp dụng. 

Trong khi đó, ông Hoàng Anh Tuấn - đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - đánh giá các ý kiến của địa phương rất chi tiết, cụ thể về vướng mắc địa phương đang gặp.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đề nghị các sở công thương trong quá trình triển khai nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Công Thương (đầu mối là Vụ Thị trường trong nước) để tổng hợp, kiến nghị Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Ông Hoàng Anh Tuấn lưu ý, các địa phương thực hiện đúng theo các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, cần lưu ý giải quyết vấn đề không cứng nhắc, cần có sự linh hoạt theo tình hình thực tế từng địa phương để công tác phòng chống dịch tại địa bàn nói chung, phòng chống dịch tại chợ nói riêng đáp ứng yêu cầu đặt ra trong bối cảnh diễn biến dịch phức tạp hiện nay.