ANZ: TPP đổ vỡ chỉ mất đi cơ hội, chưa ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam

(Dân trí) - Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thất bại dấy lên lo ngại rằng nguồn vốn vào sản xuất các hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ mất đi. Tuy nhiên, Mỹ rút khỏi TPP thực chất chỉ là mất đi các cơ hội, chứ chưa có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thật của Việt Nam.

Đây là khẳng định của đại diện Ngân hàng ANZ tại buổi Họp báo "Điều gì sẽ đến trong năm 2017?" vừa được tổ chức hôm qua (24/2) tại Hà Nội.

Mở màn buổi họp báo, bà Eugenia Victorino, chuyên gia kinh tế khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông và ASEAN của ANZ cho hay, lãi suất hiện ở mức 6,5%, dự báo lãi suất giảm ở mức 6% đến cuối năm nay và có thể duy trì đến năm 2019.

"Trong bối cảnh nợ xấu chưa thể giải quyết một sớm, một chiều, chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách thúc đẩy tăng trưởng, do đó điều hành lãi suất ở mức thấp, hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và phát triển kinh tế", bà Eugenia Victorino cho biết.

ANZ cho hay, TPP đổ vỡ không ảnh hưởng đến Việt Nam (ảnh minh hoạ)
ANZ cho hay, TPP đổ vỡ không ảnh hưởng đến Việt Nam (ảnh minh hoạ)

Về phát triển kinh tế, theo nhận định của ANZ, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2017 sẽ cao hơn năm trước, GDP năm nay sẽ ở mức 6,4%. ANZ cho biết đang đưa ra những dự báo lạc quan nhưng phải nhận xét rằng Việt Nam đang tăng trưởng dưới tiềm năng của mình. Với các mục tiêu tăng trưởng bền vững hiện tại của Chính phủ vẫn được duy trì, trong tương lai, Việt Nam sẽ kiểm soát tốt tăng trưởng của mình.

Trước các biến động như việc Mỹ rút khỏi TPP, ANZ cũng có cái nhìn khá lạc quan về ảnh hưởng đối với Việt Nam. TPP thất bại dấy lên lo ngại rằng nguồn vốn vào sản xuất các hàng xuất khẩu sang Mỹ sẽ mất đi. Tuy nhiên, Mỹ rút khỏi TPP thực chất chỉ là mất đi các cơ hội, chưa có nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thật của Việt Nam.

Trên thực tế, hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Mỹ chỉ có 22% tổng kim ngạch của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang chủ động tham gia các hiệp định thương mại tự do khác như RCEP, EVFTA, hiệp định song phương với các nước và đa dạng ngành hàng xuất khẩu

Theo ông Khoon Goh, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Châu Á của ANZ, chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ với hơn 30 tỷ USD đầu tư rút khỏi các thị trường mới nổi không ảnh hưởng nhiều tới Việt Nam. Nguồn vốn gián tiếp này chỉ ảnh hưởng đến giá của tài sản, cổ phiếu, trái phiếu, nền kinh tế thực không chịu nhiều tác động. "Nhìn từ chính sách hay bối cảnh có thể thấy luồng vốn đầu tư FDI rút đi nhưng với việc đẩy nhanh cổ phần hóa, luồng vốn gián tiếp nước ngoài sẽ ngoài sẽ không xấu", ông Khoon Goh khẳng định.

An Linh