“Ánh sáng le lói dưới đường hầm” chứng khoán
(Dân trí) - VN-Index cuối phiên giảm 10 điểm xuống dưới 424 điểm. Tuy nhiên PVF tăng trần, khối lượng giao dịch sàn HoSE lên tới 51 triệu cổ phiếu mở ra hy vọng mới cho các nhà đầu tư.
Khối lượng giao dịch phiên này đã tăng vọt lên gần 51,5 triệu cổ phiếu, tương đương 1.246 tỷ đồng; tăng gần 10% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên giao dịch trước, cao nhất trong 6 tuần trở lại đây.
Mặc dù lượng giải chấp của các Ngân hàng và các CTCK khiến hàng loạt bluechips bị bán sàn như SSI, SJS, PPC, HSG, NTL… song lực cầu bắt đáy đã gia tăng mạnh trong 2 phiên trở lại đây.
Đáng chú ý, cuối phiên, cổ phiếu PVF của Tổng CT Tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) giữa phiên bị bán sàn giá 18.200 đồng, cuối phiên tăng trần lên 20.000 đồng/cp, dư mua trần hơn 190 nghìn CP.
Một số bluechips khác tăng giá là DPM, PVD. STB sau khi tăng nhẹ vào giữa phiên, cuối phiên giảm 100 đồng xuống 15.600 đồng/cp; các mã khác đứng giá tham chiếu là KBC, OGC, HAG (trước đó OGC giảm sàn).
Khối ngoại phiên này mua mạnh bluechips với các mã được mua vào là REE, HAG, KBC, DPM, PVD…
Cuối phiên, toàn thị trường vẫn có 224 mã giảm giá (152 mã giảm sàn), 20 mã tăng giá và 14 mã đứng giá. HTV và SHI cuối phiên tăng trần, nhưng duy nhất HTV có dư mua giá trần còn SHI chỉ có dư mua giá 27 trong khi khớp lệnh giá 29.4.
TTCK Việt Nam đến thời điểm này bị ảnh hưởng từ TTCK toàn cầu giảm điểm và động thái giải chấp của các CTCK, theo HSC, các mã bị giải chấp là các mã có tính đầu cơ và điều này sẽ dẫn tới việc các chứng khoán bị buộc phải bán ra, đặc biệt là những mã được giao dịch mạnh từ đầu năm đến giờ. Gần tới cuối tháng cũng là thời điểm nhiều hợp đồng hết hạn, thì việc thị trường giảm hôm nay không phải là một điều tốt.
Tuy nhiên khi VN-Index tiến dần đến mốc 400 điểm, lực lượng tham gia bắt đáy ngày càng lớn dần. Cơ hội mở ra với tất cả, nhưng chỉ có số ít tận dụng được.
Theo nhận định của CTCP chứng khoán TPHCM, sự điều chỉnh hiện tại của thị trường chịu tác động của sự lo ngại về nguồn cung cổ phiếu mới cộng với việc quả bong bóng cổ phiếu đầu cơ bị chọc vỡ.
Sự lo ngại về nguồn cung cổ phiếu mới xuất phát từ những cải cách của Chính phủ trong ngành ngân hàng và sự thiếu đi khả năng tiếp cận với nguồn tín dụng rẻ. Sự đổ vỡ của bong bóng cổ phiếu đầu cơ hiện tại đã không còn tác động mạnh do không còn cổ phiếu được đẩy giá và câu chuyện về các cổ phiếu đầu cơ đã lùi xa.
Bức tranh vĩ mô đã không còn được tốt như trong vài tháng trước nhưng cũng không xấu đi nhiều. Do đó, đợt giảm lần này của thị trường theo HSC sẽ không kéo dài lâu.
Tại sàn Hà Nội, HNX Index có phiên giảm giảm thứ 7 liên tiếp khi mất thêm 5,59 điểm (-4,49%) xuống 118,81 điểm. Đây là mức thấp nhất của chỉ số này từ năm tháng 4/2009 đến nay.
Tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường có 286 mã giảm, 22 mã tăng và 20 mã đứng giá. Trong đó có 199 mã đóng cửa tại giá sàn. Lượng dư bán cuối ngày khá nhiều trong khi lượng dư rất ít, nhiều mã hoàn toàn không có dư mua.
Một số mã có dư bán sàn lớn là VSP, VMG, TLC, SHN, SDD, PVL, PVA…
Một số mã tăng trần là YSC, VTL, VFR và SJ1. Đáng chú ý nhất là VFR tăng trần lên 24.100 đồng với dư mua giá trần hơn 459 nghìn đơn vị. AAA – cổ phiếu đã tăng liên tục từ tuần trước – đóng cửa ở giá tham chiếu dù đầu ngày tăng trần.
Khối lượng giao dịch tăng từ 34,8 triệu lên 36 triệu đơn vị, tuy nhiên, giá trị giao dịch lại giảm 20 tỷ xuống 753 tỷ đồng.
Các mã được giao dịch nhiều nhất là PVX (6,82 triệu đơn vị), KLS (3,44 triệu), VCG (1,42 triệu), VGS (1 triệu đơn vị)…Phương Mai - Quốc Thắng