Anh, Mỹ: nhiều mặt hàng không còn được miễn thuế ở sân bay
(Dân trí) - Nước hoa, bia, rượu… - những mặt hàng được ưa chuộng nhất trong các cửa hàng miễn thuế tại sân bay - tới đây sẽ bị tước hoàn toàn đặc ân này, ít nhất là trên các chuyến bay giữa Anh và Mỹ. Đây quả là cú giáng “nảy đom đóm” đối với ngành kinh doanh tỷ “đô” của 2 nước.
Theo lệnh cấm mới nhất vừa ban hành, hành khách đi qua các sân bay quốc tế ở Anh và Mỹ không được phép mang theo hàng hóa là gel và chất lỏng. Điều đó đồng nghĩa với việc: một loạt cửa hàng miễn thuế tại các sân bay buộc phải xóa tên những loại sản phẩm này khỏi danh sách tiêu thụ.
Quả là “tin sét đánh” đối với các nhà kinh doanh hàng miễn thuế, bởi sản phẩm hóa lỏng tạo nên 1/3 doanh thu của những cửa hàng này. Nhất là khi, Mỹ và Anh nổi tiếng là 2 đại gia tiêu thụ hàng miễn thuế lớn nhất thế giới, với tổng trị giá thị trường của cả 2 nước gộp lại lên tới 10 tỷ USD.
“Quy mô ngành kinh doanh hàng miễn thuế toàn cầu hiện nay xấp xỉ 27 tỷ USD. Trong đó, tính riêng doanh thu từ các loại nước hoa phụ nữ đã chiếm 27 tỷ, còn bia rượu các loại chiếm 4,75 tỷ” - James Featherstone, Tổng biên tập tạp chí Duty Free News International cho hay.
Tuy nhiên doanh thu là chỉ một vấn đề. Ngoài các nhà bán lẻ, một đối tượng khác cũng không kém phần lo lắng: những thương hiệu hàng cao cấp.
Theo ông Featherstone: “Mặc dù không phải là nguồn thu chính của công ty nhưng đối với những thương hiệu nổi tiếng, cửa hàng miễn thuế thực sự là 1 thị trường quan trọng. Đó là nơi sản phẩm của họ tiếp cận nhiều người tiêu dùng cao cấp nhất - những người sẵn sàng chi tiền và trở thành khách hàng tiên phong cho mặt hàng”.
Trong khi đó, giám sát anh ninh tại các cửa hàng trong sân bay ngày càng thắt chặt. Giám đốc mạng lưới cửa hàng miễn thuế lớn nhất nước Mỹ cho biết: những mặt hàng như nước hoa, bia rượu… vốn chiếm ¾ doanh thu công ty, nay tuyệt đối không còn được bày bán. Hoạt động này đặt dưới sự kiểm soát gắt gao của Ủy ban giám sát An ninh vận chuyển Hoa Kỳ.
Theo ước tính, hiện ngành kinh doanh hàng miễn thuế đang phải chịu tổn thất trị giá hàng chục nghìn USD mỗi ngày. Cách cứu nguy duy nhất mà nhiều cửa hàng đang áp dụng lúc này là: đóng hàng vào thùng, đóng thuế, vận chuyển và giao đến tận tay khách hàng ở quốc gia bên kia.
Hải Minh
Theo MSNBC