Anh chấm dứt 142 năm sử dụng điện than

Minh Huyền

(Dân trí) - Lịch sử 142 năm sản xuất điện từ than của Anh sẽ chính thức kết thúc khi Ratcliffe-on-Soar, nhà máy điện than duy nhất ở Nottinghamshire ngừng hoạt động vĩnh viễn.

Nhà máy điện than duy nhất còn lại của Anh tại Ratcliffe-on-Soar ở Nottinghamshire sẽ phát điện lần cuối vào hôm nay (ngày 30/9) sau khi cung cấp điện cho Vương quốc Anh trong 57 năm qua, theo The Guardian

Việc đóng cửa nhà máy này cũng đánh dấu sự kết thúc 142 năm sử dụng điện than của Anh, kể từ năm 1882 khi nhà máy điện than đầu tiên trên thế giới Holborn Viaduct bắt đầu phát điện.

Trước đó, vào năm 2015, Anh đã cam kết loại bỏ điện than ra khỏi lưới điện quốc gia vào năm 2025. Đây là quốc gia đầu tiên trong nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) chấm dứt việc sử dụng điện than.

Michael Shanks, Bộ trưởng Bộ Năng lượng, cho biết việc đóng cửa nhà máy điện than Ratcliffe-on-Soar đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và những lao động trong ngành này có thể tự hào về công việc cung cấp điện cho quốc gia trong hơn 140 năm qua.

"Anh là quốc gia đầu tiên xây dựng nhà máy điện than. Do đó, việc Anh trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi năng lượng than là điều hoàn toàn đúng đắn, mở đường cho các quốc gia khác noi theo", Ed Matthew, Giám đốc nhóm nghiên cứu khủng hoảng khí hậu E3G nhìn nhận.

Anh chấm dứt 142 năm sử dụng điện than - 1

Nhà máy điện Ratcliffe-on-Soar từng sử dụng 3.000 nhân viên, nhưng đã giảm xuống chỉ còn 170 người khi việc sản xuất điện bị thu hẹp (Ảnh: The Guardian).

Điện than chiếm 80% điện của Anh vào đầu những năm 1980 và giảm xuống còn 40% vào năm 2012 do thuế carbon ngày càng đắt đỏ, cùng sự phát triển của những nguồn năng lượng tái tạo rẻ hơn.

Theo thống kê, năng lượng tái tạo, chủ yếu là năng lượng gió và năng lượng mặt trời, hiện chiếm hơn một nửa tổng sản lượng điện tại Anh. Khí đốt cũng đóng vai trò trong sự chuyển đổi này, tăng từ 28% trong cơ cấu năng lượng năm 2012 lên 34% vào năm ngoái.

Một báo cáo của Ember cho thấy điện than đã giảm một nửa tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) kể từ khi đạt đỉnh vào năm 2007. Theo Ember, điện than chiếm 17% lượng điện do các nước OECD sản xuất vào năm ngoái, nhưng 27 trong số 38 quốc gia thành viên đã cam kết không sử dụng than vào cuối thập kỷ này.

Ngoài Anh, nhiều quốc gia cũng lên kế hoạch xóa điện than trong thời gian tới như Italy, Pháp, Canada và Đức dự kiến sẽ loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng than vào giai đoạn 2025-2038.

Hồi cuối tháng 4, các nước thành viên G7 đã nhất trí dừng sử dụng các nhà máy nhiệt điện than vào năm 2035 nhằm hướng tới loại bỏ nhiên liệu hóa thạch này.

Theo The Guardian, The Standard