1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Ấn tượng Việt Nam” nín thở chờ kinh phí

(Dân trí) - 4 tháng kể từ khi công bố chiến dịch giảm giá tour chưa từng có với tên gọi “Ấn tượng Việt Nam”, ngành Du lịch vẫn đang lúng túng với bài toán kinh phí, trong khi nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn “ngơ ngác” khi nhắc đến chương trình.

“Ấn tượng Việt Nam” nín thở chờ kinh phí - 1
Du khách nước ngoài đến Việt Nam.
 
Khách ngoại tiếp tục giảm

Theo Vụ lữ hành - Tổng cục Du lịch, đây là lần đầu tiên, trên toàn quốc triển khai một chiến dịch khuyến mãi rầm rộ đến như vậy.

Sau 4 tháng thực hiện (từ 5/1/2009) đến nay đã có 118 khách sạn (từ 1 - 5 sao), 85 doanh nghiệp lữ hành, 14 cửa hàng mua sắm, Vietnam Airlines và 2 DN vận chuyển đăng ký tham gia chiến dịch với hơn 300 tour khuyến mãi đã được công bố.

Nhiều địa phương cũng chủ động đăng ký tham gia chương trình như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế…

Theo ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ lữ hành, chiến dịch khuyến mãi “Ấn tượng Việt Nam” nhằm hưởng ứng chủ trương kích cầu của Chính phủ, cũng là biện pháp cấp bách mà ngành du lịch cần phải làm trong thời điểm này.

Để hỗ trợ ngành du lịch, Chính phủ đã quyết định cấp 25 tỷ đồng từ Quỹ xúc tiến Đầu tư thương mại du lịch từ năm 2008. Tuy nhiên đến nay, gói kinh phí này vẫn chưa được các bộ ngành thẩm định cấp phát.

Nguyên nhân là do quy chế sử dụng số tiền này chưa được chính thức phê duyệt. Nên các khoản kinh phí xúc tiến chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” hầu như phải đi vay một cách rụt rè.

Còn các hoạt động trong nước thì cũng chỉ dừng ở khâu văn bản rồi tuyên truyền qua một hai buổi họp báo, chứ không có điệu kiện làm hơn để gây ấn tượng với chính khách nội địa.

“Đầu tư cho một đợt dự hội chợ Thương mại ở Đức mất đến cả tỉ bạc, muốn phát chương trình quảng cáo trên các kênh truyền hình quốc tế cũng phải trả phí rất cao. Nếu không có kinh phí thì chịu, không thể làm gì được!” - ông Bình nói.

Thực tế hiện nay “Ấn tượng Việt Nam” vẫn đang thực hiện, nhưng trong 4 tháng đầu năm khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, giảm 18% so với  cùng kỳ năm ngoái.

Một phần do Chính quyền nhiều quốc gia láng giềng khuyên người dân hạn chế du lịch nước ngoài để tiết kiệm chi tiêu. Cùng đó, những cảnh báo về dịch bệnh, đặc biệt là dịch H1N1 càng khiến thị trường khách quốc tế bị yếu thế.

Không thể thua trên sân nhà

Phần hướng ngoại của “Ấn tượng Việt Nam” khó khăn là vậy, mảng thị trường nội địa cũng vấp phải nhiều khó khăn.

Tại TPHCM, phải mất 2 tháng với 6 cuộc họp với các DN lữ hành, chiến dịch mới được thông qua. Vậy mà đến thời điểm này nhiều DN lữ hành vẫn “ngơ ngác” không biết chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” là gì (?!). Bởi họ chưa nắm được thông tin và cũng đã quen với lối kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún.

“Không ít DN khác tham đăng ký tham gia chiến dịch nhưng vẫn áp dụng “chiêu” cạnh tranh thiếu lành mạnh. Nghĩa là cũng hạ giá, khuyến mãi nhưng lại không công bố mà “âm thầm” chờ các DN khác triển khai giảm giá ra sao.

Sau đó, sẽ đưa ra mức giá thành thấp hơn để hấp dẫn du khách. Kiểu kinh doanh này đã tạo ra nhiều mâu thuẫn trên thị trường, làm mất đi tính thống nhất của một chiến dịch mang tính quốc gia” - ông Bình nói.

Bên cạnh đó, việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ khuyến mãi tại các DN vận chuyển, khách sạn, nhà hàng… tại những thời điểm nhu cầu tăng vọt đã bộc lộ nhiều yếu điểm.

Đơn cử, trong nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, nhiều DN lữ hành gặp khó khăn rất lớn trong việc vận động các đơn vị vận chuyển (trong đó có cả ngành hang không) giảm giá, khuyến mãi; không ít điểm du lịch vẫn tăng lệ phí, vé tham quan…

Nhiều DN lữ hành nhận định, trong thời điểm suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay, xu hướng thu hút khách nội địa là chiến lược của tất cả quốc gia. Đành rằng ngành du lich Việt Nam cần thêm kinh phí để quảng bá thương hiệu Việt Nam trên các phương tiện  thông tin Quốc tế, tuy nhiên, trên thực tế hiện ngành du lịch vẫn chưa khai thác triệt để nguồn khách nội địa còn rất nhiều tiềm năng.

Theo tính toán, với chiến dịch khuyến mãi, giá tour nội địa đã giảm từ 30 - 40%, nếu được quảng bá tốt, dự kiến sẽ thu hút lượng khách nội địa  tăng trên 50% so với năm 2008.

Phía Tổng cục Du lịch cũng thông báo tiếp tục phát động chiến dịch “Ấn tượng Việt Nam” giai đoạn II, với trọng tâm thúc đẩy mạnh mẽ du lịch nội địa. Cùng đó, vấn đề xúc tiến các thị trường du lịch nước ngoài trọng điểm của Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Mỹ… cũng sẽ được triển khai mạnh mẽ hơn.

Thanh Trầm