1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Án tử hình” cho Yukos

Ngày 1/8 vừa qua, Toà án Moscow đã chính thức tuyên bố phá sản tập đoàn dầu mỏ nổi tiếng Yukos, một thời được coi là “đế chế dầu mỏ” ở Nga, mở đường cho việc bán thanh lý các tài sản của tập doàn này vào năm 2007.

Dư luận cho rằng, đây là “bản án tử hình” của Nga đối với tập đoàn dầu mỏ này và việc Yukos chính thức phá sản là một tín hiệu tốt cho thấy Nga tăng cường quản lý ngành năng lượng và quyết tâm xây dựng diện mạo mới cho ngành công nghiệp quan trọng này.

Cuộc điều trần để tuyên án với Yukos đã được diễn ra sau khi nhà quản lý tài sản của Yukos, do toà án chỉ định, ông E. Rebgul cho biết, tập đoàn này không còn khả năng thanh toán khoản nợ khổng lồ lên tới 18,26 tỷ USD, trong đó nợ cơ quan thuế vụ Nga tới 13 tỷ USD. Thế nhưng tất cả tài sản của tập đoàn Yukos chỉ trị giá 17,72 tỷ USD. Còn ban lãnh đạo tập đoàn thì cho rằng số tiền thực của công ty lên đến 37,8 tỷ USD.

Trước khi toà án ra phán quyết nêu trên, các chủ nợ của Yukos, bao gồm Cơ quan thuế vụ Nga và Rosneft-tập đoàn dầu mỏ lớn thứ 2 ở Nga, với tỷ lệ thuận trên 90%, đã thống nhất tuyên bố công ty này chính thức phá sản và bác bỏ đề nghị của ban lãnh đạo Yukos đòi cứu tập đoàn khỏi nguy cơ phá sản. Luật sư của Yukos cho biết, phán quyết của toà án giống như một bản án tử hình đối với tập đoàn này.

Trước khi Yukos bị tuyên bố phá sản, ngày 20/7, Tổng giám đốc Yukos S.Theede (nắm quyền từ năm 2003) đã tuyên bố từ chức. Trong khi đó, cựu chủ tịch Mikhail Khodorkovsky vẫn đang chấp hành lệnh tù 8 năm tại Siberia. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng Yukos bị lâm vào hoàn cảnh hiện nay vì tham vọng chính trị.

Dự kiến, sau khi Nga bán đấu giá Yukos, các tập đoàn dầu mỏ quốc doanh ở nước này sẽ kiểm soát khoảng 67% ngành dầu mỏ của đất nước. Đây là một tỷ lệ rất cao so với mức 35% hồi cuối năm 2005.

Theo Trung Việt
VnEconomy