Ẩn số thương vụ Sacombank: Không chỉ là cuộc chiến giữa hai "đại gia"
(Dân trí) - Với hơn 9% sở hữu, không thể nói rằng một mình Eximbank đang thực hiện thôn tính Sacombank, quan trọng là nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank đại diện 51% cổ phần biểu quyết nhằm thực hiện việc thay đổi HĐQT Sacombank.
Hiện tại, vấn đề “Sacombank trước nguy cơ thâu tóm” đang trở thành một đề tài nóng được đông đảo giới đầu tư tài chính quan tâm. Dù có nhiều lời đồn đoán và những phát ngôn được đưa ra thì “đáp án” của bài toán này hãy còn bỏ ngỏ.
Con đường đi đến “đáp án” đó có thể rất nhanh chóng, nhưng cũng có thể sẽ rất mất thời gian và nhiều thiệt hại nếu xu hướng “thù địch” càng ngày càng lớn giữa hai bên. Con đường hòa bình có lẽ tốt cho tất cả.
“Nước chảy chỗ trũng”
Khi được hỏi về cách nhìn nhận như thế nào về sự kiện này, một nhà đầu tư (đề nghị không nêu tên - PV) cho biết, việc sáp nhập ngân hàng để nâng hiệu quả hoạt động lên là điều hoàn toàn bình thường.
Chị rất bình thản khi nói, “Nếu cổ đông nắm giữ đa số cổ phiếu, họ sẽ muốn ngân hàng hoạt động tốt hơn và có một hệ thống quản trị ưu việt hơn. Nó không có gì là khó hiểu. Về mặt lý thuyết, thì những cổ đông lớn họ có quyền kiểm soát và quản trị ngân hàng”.
Khi Eximbank tuyên bố họ đã có được một lượng cổ đông ủy quyền lớn thì tức là họ đã được phần lớn cổ đông ủng hộ. Nếu quả đúng là với 51% ủng hộ thì đa số cổ đông của Sacombank đã nghiêng về phía Eximbank. Điều này có thể lý giải, ở kết quả làm ăn của Eximbank, kể từ 2008 đến nay, hệ thống quản trị ngân hàng này đã chứng tỏ được năng lực của họ. Cụ thể, trong năm 2011, Eximbank đạt lợi nhuận trước thuế là 4.069,43 tỷ đồng, tăng tới 71,5% so với năm 2010. Lợi nhuận sau thuế theo đó đạt 3.051,34 tỷ đồng, tăng 68,6% so với năm 2010.
Tư duy theo lối thông thường và đơn giản nhất, dưới góc độ nhà đầu tư, thì dĩ nhiên họ phải gửi gắm tiền bạc cho người nào mà họ tin tưởng và kỳ vọng.
Nhà đầu tư này cũng cho rằng, việc cạnh tranh và thâu tóm lẫn nhau là hệ quả đương nhiên của cơ chế thị trường. Một khi ngân hàng đã cổ phần, đã niêm yết thì phải hoạt động theo quy luật chung đó, còn nếu không,“anh là cổ đông lớn, anh sáng lập ngân hàng, tại sao anh không nắm phần lớn số cổ phần của anh mà lại bán bớt đi làm gì?”.
Còn việc Eximbank quyết định bỏ ra một khoản tiền lớn để có được Sacombank, nhất là khi Sacombank lại chống trả, thay vì những công ty, tài sản giá rẻ khác hiện nay liệu có phải là bước đi khôn ngoan?
Với những người đi thâu tóm, nhất là những lãnh đạo của Eximbank thì mỗi một bước đi hiển nhiên họ đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể và đã có mục đích trước.
“Những doanh nghiệp luôn có ý thức trau dồi trong hoạt động chính của mình thật tốt thì bao giờ cũng đạt được những lợi nhuận tối ưu. Việc Eximbank đang hoạt động tốt ở mảng ngân hàng và họ muốn mở rộng hệ thống thì đó là bước đi đúng đắn”, nhà đầu tư này nói. Tất nhiên người có tiền có rất nhiều lựa chọn để đầu tư, nhưng đầu tư dàn trải, không quản trị được thì kể cả mua rẻ cũng sẽ lại là đắt. Một bài học nhãn tiền là Vinamilk, trên lĩnh vực sữa họ rất thắng, khi họ nhảy sang cà phê vì thấy Trung Nguyên hoạt động tốt, tốn bao nhiêu tiền để quảng bá nhưng vẫn không thể đạt được thị phần như mong muốn.
Về sự ảnh hưởng đến thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hai công ty lớn đang “gây chiến” với nhau thì nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ thiệt hại. Giá cổ phiếu chắc chắn bị ảnh hưởng, và những nhà đầu tư nhỏ lẻ nhiều khả năng sẽ rời xa những “miếng mồi” như vậy.
Tuy nhiên, đứng ở một góc độ khác, thì những yếu tố mới tham gia vào HĐQT (nếu thực hiện được mục đích) cũng sẽ cố gắng nhắm đến làm cho ngân hàng tốt lên (vì ít có lý do nào để họ làm tiêu cực hóa đi). Những người quan sát và các nhà đầu tư đều cho rằng, nếu cuộc chiến kết thúc nhanh và tốt hơn nữa là kết thúc trong hòa bình thì sẽ có lợi hơn cho cổ đông nhỏ - vì đây mới chính là những người chủ thực sự và gắn bó với doanh nghiệp.
Thế nào nếu cuộc thôn tính thù địch này thất bại?
Tất nhiên, đây chỉ là một giả thiết có thể xảy ra. Một công ty khi bị thôn tính thù địch họ có những biện pháp phòng vệ nhất định. Bình luận về vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia phân tích chứng khoán ví von: “Điều đó cũng tựa như khi một cô gái xinh được nhiều chàng trai đến tấn công, nếu không thích thì có thể sẽ dẫn đến hành động tiêu cực là tự tạt axit vào mình, để mình xấu xí đi, làm thế nào để mình không còn hấp dẫn nữa”.
Tương tự, một công ty đứng trước nguy cơ thâu tóm có thể thực hiện việc tẩu tán tài sản hay gọi là chiến thuật “vương miện châu báu” - bên bị mua tìm mọi cách bán đi hoặc làm giảm tính hấp dẫn của lợi thế đang có. Hoặc bên bị mua có thể thay đổi điều lệ, hoặc cài cắm vào những điều khoản như những“viên thuốc độc” để những người đi thôn tính cảm thấy khó chịu, khi gia nhập vào ban quản trị sẽ khó thay đổi được.
Khi một mực đã chống lại thì “bên bị” cũng có thể thực hiện việc nâng nợ xấu lên, đóng cửa một số chi nhánh… nhưng nói cho cùng thì việc làm đó sẽ gây “tổn thương” rất nhiều đến tài chính của bản thân công ty đó, nhất lại là nếu nằm trong lĩnh vực ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu Sacombank có ý định dùng những chiến thuật này thì đã phải làm rất lâu từ trước, còn hiện tại thì theo nhận định của vị chuyên gia này, “có khả năng là không kịp”. Trước báo giới những đợt gần đây, Eximbank đã rất tự tin tuyên bố đại điện cho hơn 51% cổ phần biểu quyết và trong đó có 17% là cổ đông gắn bó trên 6 tháng.
Còn về phía đại diện của Sacombank, Chủ tịch HĐQT, ông Đặng Văn Thành cũng đã phủ nhận về “đòn phản công” này, bác bỏ tin đồn “tẩu tán tài sản” của công ty.
Hơn nữa, việc này đặt trong bối cảnh thị trường ngân hàng thì không hề dễ dàng trên thị trường này có những quy định về mặt quản trị rất chặt, hơn nữa lại là một ngành nhạy cảm nên “các câu chuyện để chống thôn tính là khó” - vị chuyên gia nói. Khác với các nhà máy xí nghiệp có thể bán tài sản cố định, ngân hàng thì không thể “tự cầm dao rạch vào mặt mình” như vậy.
Một biện pháp nữa cũng có thể nhắc đến tiếp theo là chiến thuật “hiệp sĩ áo trắng” trong trường hợp khi bên bị thôn tính không muốn đến với “nhà đầu tư thù địch”, họ có thể đến với “nhà đầu tư thân thiện”. Tuy nhiên, nếu gán vào trường hợp của Sacombank thì những cổ đông lớn khác đều đã thoái vốn, rút lui, rất khó có 1 “anh hùng” nào khác để cùng Sacombank chống đỡ.
Mua lại cổ phiếu quỹ cũng là một phương pháp, nhằm đẩy giá lên cao để các nhà đầu tư “thù địch” không mua tiếp. Biện pháp này Eximbank từng áp dụng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Moody’s thì quyết định mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ này là 1 “nước cờ” tiêu cực của Sacombank, làm giảm khả năng đương đầu với thua lỗ và tác động xấu tới khả năng hỗ trợ tăng trưởng tín dụng trong tương lai.
Sacombank không chỉ “chiến đấu chống lại” Eximbank
Đúng ra Eximbank chỉ chiếm 9,73% cổ phần Sacombank và với chừng đó tỷ lệ sở hữu thì không thể nói rằng một mình Eximbank đang thực hiện thôn tính Sacombank. Cả về mặt bản chất và hiện tượng, nếu chỉ coi đây đơn thuần là vụ M&A giữa riêng Eximbank và Sacombank là không đúng.
Quan trọng là nhóm cổ đông ủy quyền cho Eximbank để giúp Eximbank đại diện cho 51% cổ phần biểu quyết nhằm thực hiện việc thay đổi HĐQT Sacombank.
Như vậy, không chỉ riêng Eximbank thực hiện đơn thuần một vụ thôn tính, vụ M&A này mà họ chỉ là đại diện mà thôi. Ẩn số còn nằm ở những nhóm cổ đông ủy quyền phía sau.
Và, vẫn phải chờ đến sau đại hội hay khi chốt danh sách lưu ký mới có thể khẳng định được những ẩn số này, còn hiện tại, phỏng đoán vẫn chỉ là phỏng đoán, ở xác suất cao hoặc thấp mà thôi.
Tất nhiên, mục đích để tăng hệ thống nhân sự, mạng lưới ATM, thương hiệu, chi nhánh, tổng tài sản… cũng là một lý do đáng lưu ý tới.
Về lý thuyết mà nói, hoạt động trong ngành ngân hàng được sự quản lý rất chặt chẽ vì đó là ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không phải có thể làm gì thì làm. Việc sáp nhập nếu xảy ra thì sẽ là tích cực và hoàn toàn là điều bình thường chứ không có vấn đề gì đáng lo ngại lớn. Trong bài toán này có sự tham gia của cổ đông, nếu ban lãnh đạo Sacombank chứng tỏ được năng lực của họ và lấy được niềm tin ở cổ đông của mình, họ vẫn nắm được phần chủ động.
Một chút lạm bàn về nhân sự phía Eximbank, theo thông tin được trích dẫn trên báo chí, trong lễ tổng kết của VFF, một nhân vật nổi tiếng về đầu tư là “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên từng cho biết mình là “cổ đông chính của Eximbank”.
Việc “bầu” Kiên có đóng vai trò trong thương vụ Sacombank này hay không chưa thể khẳng định và có kết luận gì. Trong giai đoạn "nước sôi lửa bỏng" này, người ta vẫn thấy ông Kiên đang bận rộn với niềm đam mê bóng đá của mình ở VPF.
Bích Diệp