Ăn ngàn tỷ "gà đẻ trứng vàng", đại gia Việt không ngờ có thời thê thảm

Hàng loạt doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng” của các đại gia Việt, trong đó có bố chồng Tăng Thanh Hà, ông Johnathan Hạnh Nguyễn gặp khó do lượng khách hàng không giảm vì Covid-19. Tình trạng này có thể còn kéo dài vì ít khách quốc tế.

CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 với một nội dung đáng chú ý: doanh nghiệp đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 97% so với năm trước xuống còn 10 tỷ đồng.

Chỉ tiêu doanh thu cũng được SGN đặt giảm một nửa xuống còn 820 tỷ đồng.

Như vậy, mặc dù hoạt động trong một lĩnh vực hấp dẫn và thường được coi là “gà đẻ trứng vàng” nhưng SGN đang gặp khó khăn đo đại dịch Covid-19 gây ra. Số lượng khách di chuyển bằng đường hàng không tụt giảm, lượng khách quốc tế về gần 0 kể từ cuối tháng 3 và dự kiến sẽ khó lòng hồi phục trong một khoảng thời gian dài.

Bên cạnh đó, SGN cũng gặp khó do công suất hoạt động của nhà ga (nội và ngoại) tại Tân Sơn Nhất đã đạt ngưỡng tối đa.

Đế chế dịch vụ hàng không của nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn - CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS) cũng lao dốc vì Covid-19. Doanh thu quý 1 giảm 29% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 523 tỷ đồng, lợi nhuận giảm hơn 80% xuống còn 16 tỷ đồng. Dự báo doanh thu và lợi nhuận trong quý 2 còn giảm mạnh hơn do đây là cao điểm chống Covid-19 với lượng khách sụt giảm.

Chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn Lucky và miễn thuế Jalux ở sân bay của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) cũng gặp khó với doanh thu quý 1 giảm 21%, lợi nhuận sau thuế giảm 70% xuống còn 16 tỷ đồng.

Dịch bệnh đã khiến doanh nghiệp này giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 với doanh thu kế hoạch giảm 41% xuống còn 670 tỷ và lợi nhuận trước thuế giảm 90% xuống chỉ còn gần 27 tỷ.

Kế hoạch này được xây dựng trên giả định dịch Covid-19 sẽ kết thúc vào tháng 7 và thị trường trở lại bình thường từ tháng 9. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường du lịch khó có thể trở lại bình thường từ tháng 9, lượng khách quốc tế nhiều khả năng sẽ hồi phục chậm.

Doanh nghiệp của bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Johnathan Hạnh Nguyễn - bố mẹ chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà hay các công ty dịch vụ hàng không khác đang chứng kiến cổ phiếu giảm mạnh trong nhiều tháng qua.

Ăn ngàn tỷ gà đẻ trứng vàng, đại gia Việt không ngờ có thời thê thảm - 1

Ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn.

Gần đây cổ phiếu SAS của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất hồi phục lên mức 28 ngàn đồng/cp nhưng vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mức 35.000 đồng hồi cuối 2019.

Hàng loạt các cổ phiếu trong ngành hàng không, dịch vụ hàng không, du lịch, bán lẻ… gần đây đều giảm giá mạnh.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn (69 tuổi) được biết đến là một doanh nhân thành đạt, sở hữu hàng loạt doanh nghiệp thời trang nổi tiếng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Âu Châu, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh.

Trong vài năm trước, ông Hạnh Nguyễn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không với việc mua cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).

Sasco vừa thông qua việc tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15% (1.500 đồng/cổ phiếu), tương đương mức trả cổ đông khoảng 200 tỷ đồng.

Với cơ cấu cổ đông chủ yếu 2 nhóm chính gồm Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (49%) và 3 công ty của gia đình Chủ tịch HĐQT Hạnh Nguyễn (45% cổ phần), trong đợt chia cổ tức này, số tiền ACV nhận về dự kiến khoảng 98 tỷ đồng trong khi gia đình ông Hạnh Nguyễn ước tính nhận hơn 90 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 28/5, chỉ số VN-Index tăng nhẹ và dao động quanh ngưỡng 860 điểm. Đa số cổ phiếu blue-chips tăng điểm.

Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo sáng sủa hơn.

Theo BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh. Chỉ số có thể kiểm định vùng hỗ trợ quanh 848±5. Diễn biến thị trường có thể xuất hiện các nhịp 'bulltrap' vào đầu phiên giao dịch. Trước đó, BVSC cảnh báo thị trường khi bước vào trạng thái quá mua ngắn hạn sẽ sớm xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh.

Nhịp điều chỉnh có thể về đến vùng 800-820 điểm trong ngắn hạn nếu chỉ số tiếp tục xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 840 điểm. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục quý II của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI Frontier Market diễn ra vào cuối tuần.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/5, VN-Index giảm 11,65 điểm xuống 857,48 điểm; HNX-Index giảm 1,6 điểm xuống 108,89 điểm. Upcom-Index giảm 0,4 điểm xuống 54,93 điểm. Thanh khoản đạt khoảng 7,6 ngàn tỷ đồng.

Theo V. Hà

VietnamNet