1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

An Giang kêu khó cho doanh nghiệp khi “nghẽn” hơn 82.000 tấn gạo

(Dân trí) - Nếu tạm dừng xuất khẩu gạo đến tháng 5, An Giang bị “nghẽn” hơn 82.000 tấn gạo. Đây là lượng gạo các doanh nghiệp đã ký với đối tác, do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu lượng gạo này.

Sau khi nắm tình hình lượng lúa sản xuất trên địa bàn tỉnh An Giang, số gạo mà các doanh nghiệp (DN) đã ký hợp đồng với đối tác; lượng gạo đang nằm chờ ở cảng, ngày 3/4 UBND tỉnh An Giang có tờ trình xin Thủ tướng Chính phủ cho địa phương xuất khẩu 82.000 tấn gạo, nếp mà các DN đã ký hợp đồng với đối tác để giải quyết khó khăn cho DN và người dân trồng lúa, nếp.

Theo đó, năm 2020, An Giang xuống giống hơn 616.000 ha lúa, nếp ước đạt trên 4 triệu tấn lúa/nếp (gọi chung là lúa). Trong đó, số lúa để làm giống, ăn trong tỉnh và tiêu thụ nội địa trên 2.500 tấn, còn lại gần 1.000 tấn xuất khẩu và hơn 500.000 tấn dự trữ trong dân và DN (trong số này có lưu kho 5% theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP)

An Giang kêu khó cho doanh nghiệp khi “nghẽn” hơn 82.000 tấn gạo - 1

Khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lo nông dân sản xuất lúa gặp khó khăn, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân cùng đoàn công tác ra tận đồng thăm hỏi nông dân

Còn trong vụ Đông Xuân 2019-2020, toàn tỉnh xuống giống gần 230.000 ha, ước sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn lúa. Hiện nay toàn tỉnh đã thu hoạch trên 70%. Hiện tỉnh đã chỉ đạo tăng cường sản xuất lúa hè thu, thu đông vì đây là cơ hội khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Và thực tế, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã tác động rất lớn đến việc kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp trong đó có các DN xuất khẩu gạo. Cụ thể, tại An Giang, trong quý 1/2020, An Giang đã xuất khẩu trên 127.000 tấn gạo, tương đương hơn 64,5 triệu USD, tăng hơn 2% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, tính đến nay số gạo, nếp còn tồn của DN hơn 206.000 tấn gạo. Và theo số liệu của các DN, năm 2020, các DN xuất khẩu trên 462.000 tấn gạo nhưng quý 1, chỉ mới xuất hơn 127.000 tấn.

An Giang kêu khó cho doanh nghiệp khi “nghẽn” hơn 82.000 tấn gạo - 2

Hiện vụ lúa Đông Xuân, An Giang đã thu hoạch trên 70% diện tích

Ngay khi lệnh tạm dừng xuất gạo từ 0h ngày 24/3, có 5 tờ khai hải quan xuất khẩu gạo của 4 công ty bị kẹt lại với số lượng hơn 12.000 tấn. Nếu tạm dừng việc xuất khẩu gạo đến tháng 4, sẽ có thêm 48.000 tấn gạo của các DN An Giang phải nằm chờ; Còn lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo kéo dài đến tháng 5, toàn tỉnh An Giang sẽ có thêm 33.800 tấn gạo bị “nghẽn” lại. Như vậy, toàn tỉnh An Giang sẽ lỗi hẹn với đối tác hơn 82.000 tấn gạo.

Trước tình hình khó khăn đó, UBND tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho các DN An Giang tiếp tục được xuất khẩu gạo, nhất là đối với lượng gạo đang làm thủ tục khai báo hải quan, tồn đọng tại cảng và số lượng gạo có hợp đồng xuất khẩu đến tháng 5/2020.

Còn đối với việc ký hợp đồng mới xuất khẩu gạo, An Giang sẽ tuân theo quy định về an ninh, an toàn lương thực trong diễn biến thời tiết tình hình dịch bệnh Covid-19. Nhưng UBND tỉnh An Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm quyết định để người dân, DN, chính quyền địa phương chủ động trong sản xuất kinh doanh và điều hành quản lý nhà nước.

An Giang kêu khó cho doanh nghiệp khi “nghẽn” hơn 82.000 tấn gạo - 3

Việc tạm dừng xuất khẩu gạo đã đầy DN kinh doanh mặt hàng này gặp muôn vàn khó khăn. Việc này làm cho đời sống nông dân đã khó khăn nay còn khó khăn hơn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng: “Chính sách xuất khẩu gạo có kiểm soát ổn định ít nhất hàng năm, có những giải pháp phù hợp khi hạn chế xuất khẩu không làm ảnh hưởng đến đời sống thu nhập nông dân, không phá vỡ liên kết sản xuất tiêu thụ lúa gạo giữa nông dân và doanh nghiệp. Đây cũng chính là vấn đề quan trọng nhất trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nông nghiệp như An Giang”.

Hiện nay ngoài các DN thu mua lúa, gạo tiêu thụ nội địa thì còn 18 DN thu mua lúa, gạo trên địa bàn tỉnh An Giang để xuất khẩu. Phần lớn các DN này đều có ký kết tiêu thụ lúa gạo với nông dân, trực tiếp giải quyết đầu ra cho nông dân. Nếu tạm dừng hoặc hạn chế xuất khẩu gạo thi DN có khả năng bị phạt vì vi phạm hợp đồng, uy tín giảm sút, mất thị trường, lãi suất ngân hàng, thanh toán cho người dân, kế hoạch thu múa lúa gạo vụ sau cũng bị ảnh hưởng…

Còn đối với nông dân sẽ thiếu vốn để tái đầu tư cho vụ sau, không an tâm sản xuất do đầu ra không ổn định, giá cả bấp bênh, cuộc sống đã khó khăn nay còn khó khăn hơn.

Nguyễn Hành

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm