Ấn Độ tung đòn mạnh thu hút làn sóng các doanh nghiệp rời Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Gói ưu đãi 23 tỷ USD là bước tiếp theo sau chương trình thu hút các công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc do Ấn Độ tung ra đầu năm.

Ấn Độ tung đòn mạnh thu hút làn sóng các doanh nghiệp rời Trung Quốc - 1

Ấn Độ đang tăng cường nỗ lực vì các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Ảnh: Getty

Mới đây, nguồn tin của Bloomberg cho biết, Ấn Độ đang có kế hoạch đưa ra các ưu đãi trị giá 1,68 nghìn tỷ rupee (khoảng 23 tỷ USD) để thu hút các công ty muốn mở nhà máy sản xuất tại nước này.

Cụ thể, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi sẽ cung cấp các khuyến khích liên kết sản xuất cho các nhà sản xuất ô tô, tấm năng lượng Mặt Trời và thép đặc biệt cho các công ty thiết bị tiêu dùng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp dệt may, nhà máy chế biến thực phẩm và các nhà sản xuất dược phẩm chuyên dụng cũng đang được xem xét đưa vào chương trình ưu đãi.

Chương trình này do cơ quan hoạch định chính sách của Ấn Độ vạch ra, kế thừa khuôn mẫu từ một kế hoạch được triển khai đầu năm nay nhằm thu hút các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc.

Theo đó, khoảng 20 công ty bao gồm Samsung Electronics, Foxconn và Wistron đã cam kết đầu tư 1,5 tỷ USD để thành lập các nhà máy sản xuất điện thoại di động ở nước này, sau khi chính phủ Ấn Độ đề ra ưu đãi hỗ trợ một số tiền tương đương 4-6% doanh số gia tăng của họ trong 5 năm tới.

Ấn Độ tung đòn mạnh thu hút làn sóng các doanh nghiệp rời Trung Quốc - 2
Ấn Độ đưa ra hàng loạt ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp rời Trung Quốc chuyển nhà máy sản xuất về nước này. Ảnh: Getty

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh New Delhi đang nỗ lực thu hút các khoản đầu tư để vực dậy nền kinh tế đã chứng kiến mức sụt giảm tồi tệ nhất trong số các nền kinh tế lớn trong quý trước, khi ghi nhận mức tăng trưởng âm 23,9%.

Thuế doanh nghiệp của Ấn Độ đã ở mức thấp nhất châu Á, trong khi các quy định về vỡ nợ đã được đại tu để cải thiện hoạt động kinh doanh dễ dàng hơn.

Tuy vậy, những ưu đãi trên vẫn chưa đủ hấp dẫn để giúp cho Ấn Độ trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc.

Theo khảo sát gần đây của Standard Chartered, Việt Nam tiếp tục là điểm đến được ưa chuộng nhất, tiếp theo là Campuchia, Myanmar, Bangladesh và Thái Lan.

Ấn Độ đang tăng cường nỗ lực vì các nhà đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc - do chi phí tăng, các yếu tố rủi ro địa chính trị mới giữa Trung Quốc và Mỹ cũng như tình hình suy thoái do dịch Covid-19.

Chính phủ Ấn Độ cũng đang có kế hoạch áp dụng chương trình sản xuất theo từng giai đoạn cho các lĩnh vực khác, để cho phép các công ty tăng dần giá trị gia tăng nội địa.

Chương trình này, hiện áp dụng cho linh kiện và phụ kiện điện thoại di động, được đề xuất mở rộng để bao gồm đồ nội thất, đồ nhựa, đồ chơi và đồ tiêu dùng có giá trị thấp. Hầu hết các mặt hàng này được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chi tiết của cả hai chương trình nêu trên đang được bàn thảo và sẽ sớm được trình lên Nội các Liên bang phê chuẩn.

Nhằm tạo ra một môi trường đầu tư hấp dẫn và lâu dài, Chính phủ Ấn Độ cũng đã khuyến khích các tiểu bang phát triển hệ sinh thái công nghiệp riêng, làm rõ các ưu đãi về thuế và nợ, qua đó hỗ trợ hết sức có thể cho các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào địa phương.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, trong tài khóa kết thúc vào ngày 31/3/2020, Ấn Độ chịu mức thâm hụt thương mại lên tới 48 tỷ USD với Trung Quốc, trong đó Ấn Độ nhập khẩu 65 tỷ USD và xuất khẩu 17 tỷ USD.