1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhật Bản trợ cấp doanh nghiệp “thoát Trung” sang Ấn Độ, Bangladesh

Hương Vũ

(Dân trí) - Các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được nhận trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Bangladesh.

Nhật Bản trợ cấp doanh nghiệp “thoát Trung” sang Ấn Độ, Bangladesh - 1
Hiện Ấn Độ và Bangladesh đã được bổ sung thêm vào danh sách các địa điểm di dời có thể nhận được trợ cấp. Ảnh: Getty

Bộ Công nghiệp Nhật Bản vừa khởi động vòng thứ hai của chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Chương trình này ban đầu đã được thực hiện với các nhà máy chuyển về Nhật Bản hoặc chuyển sản xuất sang Đông Nam Á.

Theo đó, các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ được nhận trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Bangladesh. Đây là một phần trong chương trình mở rộng của Tokyo nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Cụ thể, ngân sách bổ sung của chính phủ Nhật Bản năm tài chính 2020 trước đó đã được dành ra 23,5 tỷ Yên (221 triệu USD) để hỗ trợ cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á.

Hiện Ấn Độ và Bangladesh đã được bổ sung thêm vào danh sách các địa điểm di dời có thể nhận được trợ cấp. Các nhà sản xuất sẽ nhận được trợ cấp cho các nghiên cứu khả thi và các chương trình thử nghiệm, với tổng số tiền có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Nhật Bản trợ cấp doanh nghiệp “thoát Trung” sang Ấn Độ, Bangladesh - 2
Bên trong nhà máy của Daikin tại Ấn Độ. Ảnh: Getty

Trong bài phát biểu trực tuyến hôm 3/9 trước Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng, đại dịch đã “cho thế giới thấy rằng quyết định về phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ dựa trên chi phí mà còn phải dựa trên sự tin tưởng”.

Ngoài yếu tố địa lý, “các công ty hiện cũng đang tìm kiếm sự tin cậy và ổn định chính sách”, ông nói. “Ấn Độ là nơi có tất cả những phẩm chất này”.

Chương trình này nhằm giảm sự phụ thuộc của Nhật vào một số liên kết trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Trung Quốc, và đảm bảo dòng chảy ổn định của các sản phẩm như vật tư y tế và linh kiện điện tử trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc đóng cửa vào những ngày đầu đại dịch.

Đợt trợ cấp đầu tiên được công bố vào tháng 7, đã cấp hơn 10 tỷ Yên cho 30 công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á, chẳng hạn như Hoya, công ty đang chuyển sản xuất linh kiện điện tử sang Việt Nam và Lào.

57 công ty khác cũng đã nhận được trợ cấp khi chuyển các cơ sở sản xuất về quê nhà Nhật Bản, chẳng hạn như Iris Ohyama - cơ sở đầu tiên được phê duyệt - đang sản xuất khẩu trang tại cơ sở nhà ở tỉnh Miyagi.

Những cái tên nổi bật khác được chấp thuận trợ cấp bao gồm Sharp, nhà sản xuất thuốc Shionogi và nhà sản xuất thiết bị y tế Terumo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm