Ám ảnh du lịch Việt: Nhà hàng “mài dao chém ngọt'”

Sau khi dùng bữa, nhiều khách du lịch đã ngã ngửa khi cầm tờ hóa đơn lên tới hàng triệu đồng. Điều đáng nói, đó là để thanh toán cho những bữa ăn bình dân, chỉ lèo tèo vài món.

Danh sách đen

 

Cơ quan chức năng TP. Vũng Tàu vừa đề nghị xử phạt quán ăn Hương Việt ở số 94, đường Hoàng Hoa Thám, phường 2 vì hành vi “chặt chém” khách 12,5 triệu đồng. Đó là do quán này bán hàng quá số lượng so với yêu cầu của khách.

 

Cụ thể, trưa 26/3, một nhóm du khách gồm 7 người, trong đó có 4 người Nhật, 3 người Việt Nam đang lưu trú tại Vungtau Intourco resort, được tài xế taxi Petro đưa đến quán Hương Việt ăn hải sản. Khẩu phần ăn của 7 người gồm 6,1kg tôm kẹt (tôm hùm loại nhỏ); 3,5kg cua; 1,7kg mực, hàu... Khi thanh toán, nhóm khách tá hỏa khi phải trả số tiền 16,6 triệu đồng.

 

Đây không phải là vụ “chặt chém” du khách đầu tiên xảy ra ở Vũng Tàu. Một số nhà hàng, quán ăn thường dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để “chém đẹp” khách. Khi khách gọi món, họ thường không mang thực đơn ra; hoặc thực đơn ghi mập mờ để gian lận số lượng và chất lượng. Khi tính tiền, nếu khách thắc mắc thì nhân viên mang ra một thực đơn khác với giá cao gấp nhiều lần ban đầu.

 

Khi khách phản ứng, nhân viên quán tỏ thái độ hung hãn, đe dọa khiến nhiều du khách sợ mà ngậm bồ hòn làm ngọt. Cùng với đó là tình trạng cân điêu xảy ra phổ biến.

 

Một hoá đơn khách phản ánh là bị nhà hàng chém đẹp
Một hoá đơn khách phản ánh là bị nhà hàng "chém đẹp"

 

Những quán ăn, nhà hàng đầy tai tiếng về kiểu “chặt, chém” ở TP. Vũng Tàu, sau nhiều lần bị xử phạt, đã thay tên và... giả vờ đổi chủ. Cụ thể, một số quán ăn ở phường Thắng Tam đã nhiều lần bị thực khách phản ánh và cơ quan chức năng nhắc nhở như Hiệp Ký đang tạm đóng cửa sang tên, Tùng Ngọc Thủy đổi thành Phượng Vỹ; Như Ý ở phường 2 đổi thành Thu Mai...

 

Riêng quán Thu Mai, vẫn do chủ cũ đứng tên, cách đây 2 tháng, lại bị một du khách “tố” lừa gạt với một bữa cơm tính giá 3,6 triệu đồng. Ngày 15/2, ông Nguyễn Tùng Nghĩa (TP.HCM) kêu ca đã bị quán này tính gian số lượng và lấy giá cao ngất ngưởng. Bữa ăn năm người của gia đình ông có món lẩu tôm sú và lẩu cua gạch, mỗi món ông phải trả 1,26 triệu đồng. Trong đó, món tôm sú chỉ có 10 con to bằng ngón tay cái nhưng quán này cho biết nặng 1,4kg, giá tới 900.000 đồng/kg. Món cua có ba con, mỗi con to bằng bốn ngón tay, nặng đến 1,8kg và tính giá mỗi ký 750.000 đồng. Tổng cộng bữa ăn của gia đình ông hết hơn 3,6 triệu đồng.

 

Chưa hết, ngày 6/2, UBND phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu tiếp tục nhận được phản ánh của một đoàn 20 du khách đến từ Hậu Giang về việc bị quán Bạc Liêu (số 127 Hoàng Hoa Thám) “móc túi”. Theo trình bày của đoàn khách, bữa cơm đạm bạc tối 6/2 của họ bị “chém” tới 9.230.000 đồng!

 

Tình trạng chặt chém khách du lịch đã diễn ra rất lâu tại nhiều thành phố du lịch, đặc biệt ở một số điểm du lịch như Bãi Cháy, Hạ Long (Quảng Ninh), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hoá),... nhất là vào những dịp nghỉ lễ, tết dài ngày, đông du khách.

 

Thậm chí, ngay tại Thủ đô, Công an phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm) còn bắt quả tang 9 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản của 2 vị khách vào quán cà phê ở số 32 phố Trần Quốc Toản do họ không trả 2,1 triệu đồng cho 2 chai bia và 1 gói hạt dẻ.
 
Phạt nặng, đóng cửa nhà hàng

 

Phạt nặng, đóng cửa nhà hàng

 

Một trong những biện pháp mạnh tay của các cơ quan chức năng là đóng cửa nhà hàng nếu tái diễn hiện tượng “chặt chém” du khách. Lãnh đạo TP.Vũng Tàu cho hay sẽ xử lý dứt điểm và bằng nhiều biện pháp mạnh để tình trạng này không tái diễn nữa.

 

Ngoài việc tăng cường kiểm tra, tỉnh cũng có công văn yêu cầu Sở KH-ĐT cùng phối hợp thẩm định địa điểm kinh doanh trước khi cấp phép cho một số quán ăn ở đường Hoàng Hoa Thám, Võ Thị Sáu, Phan Chu Trinh, tránh tình trạng thay tên đổi chủ.

 

“Chúng tôi dán số điện thoại đường dây nóng ở các quán và tụ điểm đông khách để khi có sự cố, khách gọi điện là sẵn sàng can thiệp”, một lãnh đạo TP cho hay.

 

Trong khi đó, đoàn kiểm tra liên ngành TP. Đà Nẵng mới đây cũng xử phạt hành chính 11 khách sạn vi phạm quy định về bình ổn giá với tổng số tiền 44 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra 95 nhà trọ, nhà khách, nhà hàng, dịch vụ ăn uống... , lực lượng chức năng địa phương cũng phát hiện 74 trường hợp vi phạm quy định bình ổn giá và tiến hành xử phạt với tổng số tiền 128 triệu đồng.

 

Để chuẩn bị cho mùa du lịch năm nay, thị xã Sầm Sơn (Thanh Hoá) lệnh cho các cơ sở kinh doanh niêm yết và bán đúng giá; đồng thời, sẽ đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh nếu các tổ chức, cá nhân có hành vi “chặt chém”, không công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ. UBND thị xã Sầm Sơn cũng lập đội “phản ứng nhanh”, trực 24/24, để hỗ trợ du khách, xử lý tiêu cực, nhất là nạn chèo kéo, ép giá, ép khách.

 

Để bảo vệ mình, du khách nên tìm hiểu kỹ hệ thống nhà hàng, quán ăn ở các điểm du lịch, tốt nhất nên chọn nhà hàng có uy tín; không nên tin vào những lời quảng cáo chưa được chứng thực hoặc qua người phát tờ rơi. Khi bị “chặt chém”, du khách nên thông báo tới cơ quan chức năng (UBND phường, công an) để được trợ giúp giải quyết.

 

Theo D.A

VEF