1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ai thực hiện "siêu" giao dịch mua bán, sáp nhập trăm triệu USD ở Việt Nam?

Việt Đức

(Dân trí) - Các thương vụ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp có giá trị từ 100 triệu USD trở lên tại Việt Nam năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, tập trung ở một số lĩnh vực bất động sản, tiêu dùng, năng lượng.

Theo báo cáo của KPMG được công bố ngày 23/11 trong khuôn khổ Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Doanh nghiệp (M&A) do Báo Đầu tư tổ chức, thị trường M&A tại Việt Nam đang có sự chững lại sau năm 2021 bùng nổ. 

Cụ thể, năm 2021 có 694 thương vụ M&A thành công với tổng giá trị hơn 10,8 tỷ USD. Còn trong 10 tháng năm nay chỉ 345 thương vụ M&A diễn ra tại Việt Nam với tổng giá trị giao dịch 5,7 tỷ USD. So với cùng kỳ năm trước, tổng giá trị giao dịch M&A đã giảm hơn 35%.

Trong đó, giá trị giao dịch bình quân mỗi thương vụ M&A trong năm nay hiện chỉ gần 17 triệu USD, còn con số năm 2021 là hơn 31 triệu USD. Số lượng "siêu" giao dịch có giá trị từ 100 triệu USD trong 10 tháng đầu năm mới ghi nhận ở mức 13, so với con số 22 cùng kỳ năm trước.

Đánh giá về sự trầm lắng của thị trường M&A năm nay, lãnh đạo công ty dịch vụ thuế, kiểm toán trên cho rằng các nhà đầu tư đang thận trọng hơn do những lo ngại về địa chính trị, lạm phát trên toàn cầu khi thực hiện các giao dịch xuyên biên giới. Tuy nhiên, ông Warrick Cleine - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia - cũng lưu ý khả năng vẫn có những thương vụ M&A đã hoàn thành nhưng các bên tham gia không tiết lộ thông tin vì quy định pháp luật không bắt buộc.

Xét theo giá trị, thương vụ lớn nhất trong năm nay đến hiện tại là việc CapitaLand bán tòa nhà văn phòng Capital Place tại Hà Nội với giá 523 triệu USD. Một số thương vụ lớn khác gồm EDPR mua lại cụm dự án điện mặt trời công suất 200 MW của Tập đoàn Xuân Thiện với giá 284 triệu USD, Công ty The Sherpa thuộc Masan đầu tư 261 triệu USD vào thương hiệu đồ uống Phúc Long, Warburg Pincus đầu tư 250 triệu USD vào Novaland. 

Ông Cleine đánh giá các thương vụ lớn rải đều ở các ngành bất động sản, tiêu dùng, năng lượng cho thấy sự hấp dẫn của các lĩnh vực này. Với lực lượng người tiêu dùng trẻ, thu nhập đang tăng, các lĩnh vực như tiêu dùng, bất động sản hấp dẫn nhà đầu tư. Song song đó, những cam kết về phát triển xanh, bền vững của Chính phủ cũng khiến ngành năng lượng tái tạo tăng thêm sức hút. 

 

Đặc biệt, trong bối cảnh các giao dịch xuyên biên giới chậm lại, chính các doanh nghiệp trong nước đang dẫn dắt thị trường M&A. Thống kê từ KPMG cho thấy trong 10 tháng đầu năm, nhà đầu tư Việt Nam đã chi ra 1,3 tỷ USD để thực hiện các thương vụ M&A, chiếm tổng cộng 23% tổng quy mô giao dịch. Xếp phía sau là các nhà đầu tư Singapore (1,2 tỷ USD), Mỹ (524 triệu USD), Hàn Quốc (376 triệu USD).

Chủ tịch Dragon Capital Dominic Scriven cũng nhìn nhận nếu như nhiều năm trước, doanh nghiệp trong nước thường chỉ nghĩ đến đối tác nước ngoài khi muốn tìm nhà đầu tư chiến lược thì nay vai trò đó đã thuộc về nhà đầu tư trong nước. Ông cũng cho rằng với những thương vụ M&A giữa các doanh nghiệp trong nước, rủi ro liên quan đến sự hòa nhập sau khi thương vụ hoàn tất sẽ thấp hơn nhiều so với các thương vụ do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện.

Dưới vai trò tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Masataka Yoshida - Tổng giám đốc RECOF Việt Nam - đánh giá lợi tức của các khoản đầu tư tại Việt Nam rất hấp dẫn nếu so sánh với Nhật Bản.

Theo ông Yoshida, Việt Nam có dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á nên vẫn là thị trường thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản. Một số lĩnh vực tại Việt Nam được nhà đầu tư Nhật quan tâm gồm thực phẩm, công nghệ, bán lẻ, năng lượng và tài chính tiêu dùng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm