Ai sẽ là chủ tịch BIDV sau đại hội cổ đông bất thường?

(Dân trí) - Vào ngày 22/10 tới, BIDV sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội. Một trong những nội dung mà cổ đông ngân hàng này chờ đợi, ai sẽ là chủ tịch chính thức của BIDV trong thời gian tới?

Theo thư mời do ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên phụ trách HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) ký ngày 12/10, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường của ngân hàng này sẽ diễn ra vào sáng thứ 7, ngày 22/10 tới. Mục đích họp là sửa đổi điều lệ của ngân hàng.

Vào đầu tháng 9 vừa qua, BIDV đã công bố kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để biểu quyết về một vấn đề cần được ĐHĐCĐ thông qua (ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 21/9).

Theo thư mời do ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên phụ trách HĐQT ngân hàng ký, mục đích cuộc họp là sửa đổi điều lệ của ngân hàng. Do đó, một trong những nội dung mà dư luận và cổ đông ngân hàng này quan tâm, ai sẽ là chủ tịch chính thức của BIDV trong thời gian tới?


Vào ngày 22/10 tới, BIDV sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội.

Vào ngày 22/10 tới, BIDV sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường tại Hà Nội.

Trước đó, ngày 18/8, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã ký quyết định ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HDQT BIDV, thôi làm người đại diện 40% phần vốn Nhà nước tại BIDV để nghỉ hưu, kể từ ngày 1/9/2016.

HĐQT BIDV bầu ông Trần Anh Tuấn, Ủy viên HĐQT phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT kể từ ngày 1/9. Ông Trần Anh Tuấn thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT BIDV kể từ ngày ký.

Hiện BIDV vẫn chưa công bố ước tính kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016. Nhưng theo dự báo của Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC), BIDV sẽ đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 5.300 tỷ đồng (giảm 4,24% so với cùng kỳ và hoàn thành 67% kế hoạch cả năm; đồng thời bằng 75% dự báo của HSC). Như vậy, riêng quý III, dự báo lợi nhuận BIDV đạt 2.000 tỷ đồng (giảm 17,25% so với cùng kỳ).

Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 được tổ chức vào ngày 24/4, cổ đông BIDV đã thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2015 với tỷ lệ 8,5% với hình thức phát hành cổ phần để trả cổ tức.

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết, chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt và nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước tại hai ngân hàng trên vào ngân sách nhà nước.

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn là cổ đông nắm quyền chi phối tuyệt đối tại BIDV với tỷ lệ sở hữu lên tới 95,28%.

Nguyễn Hiền