1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Ngân hàng BIDV dưới thời ông Trần Bắc Hà

(Dân trí) - 8 năm, 8 tháng trên cương vị Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà đã xây dựng nên một "triều đại" hùng mạnh với vị trí "big 4" trong làng ngân hàng Việt Nam.

Dù chưa có quyết định chính thức, nhưng việc ông Trần Bắc Hà xác nhận sẽ nghỉ hưu vào thời gian tới đã là điều chắc chắn. Hiện trên thị trường cũng xuất hiện đồn đoán người kế nhiệm ông Hà, nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết chưa có quyết định về việc bổ nhiệm người thay thế ông Hà tại BIDV.

Bước tiến lớn về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh

Dưới “triều đại” của ông Hà, BIDV cũng có những thăng trầm, vui buồn trong hoạt động kinh doanh. Điểm nhấn rõ nhất đó là sức ảnh hưởng của ông Hà đối với hoạt động của BIDV trong suốt thời gian ngồi “ghế nóng”.

Ông Trần Bắc Hà bắt đầu làm việc tại BIDV từ tháng 2/1981. Trải qua các vị trí khác nhau, đến tháng 1/2008, ông được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT BIDV.

Như vậy, tính từ thời điểm đặt chân vào "mảnh đất" BIDV, ông Hà đã có thời gian làm việc và gắn bó với ngân hàng này là 35 năm. Còn tính thời gian ngồi "ghế nóng" trên cương vị Chủ tịch BIDV, ông Hà có thời gian 8 năm, 8 tháng.


Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà

Trong lĩnh vực ngân hàng, ông Trần Bắc Hà được biết đến là một trong những "lão tướng", với nhiều phát ngôn gây chú ý trong dư luận. Ông còn là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).

Theo báo cáo quản trị công ty 6 tháng đầu năm, ông Trần Bắc Hà hiện đang sở hữu 136.643 cổ phiếu BID, chiếm 0,004% vốn tại BIDV.

Và cũng dưới thời ông Trần Bắc Hà, BIDV có một bước tiến lớn về sự thay đổi trong hoạt động kinh doanh. Đó là trở thành công ty đại chúng và chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán ngày 24/1/2014. Vào ngày niêm yết, giá cổ phiếu BID của BIDV là 18.700 đồng/cổ phiếu. Còn tính đến ngày 18/8, giá cổ phiếu BID là 16.700 đồng/cổ phiếu.

BIDV dưới sự điều hành của ông Hà đã có bước tăng vọt từ tổng tài sản tăng từ 246.494 tỷ đồng (năm 2008) lên 930.267 tỷ đồng (tháng 6/2016); lợi nhuận trước thuế cũng tăng mạnh từ 2.350 tỷ đồng (năm 2008) lên 7.948 tỷ đồng (năm 2015), 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 3.311 tỷ đồng.

Nợ xấu tăng vọt và "màn cứu" HAGL

Cùng với sự tăng trưởng về quy mô, tín dụng nên nợ xấu của BIDVcũng tăng vọt. Theo báo cáo tài chính của 11 ngân hàng công bố vào hồi đầu tháng 8, 11 ngân hàng đang "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, BIDV là ngân hàng có tổng số nợ xấu cao nhất, lên tới 13.183 tỷ đồng, tăng 35,95% so với cuối năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu cũng theo đó tăng từ 1,62% hồi cuối năm 2015 lên 2%. Vì vậy, BIDV hiện là ngân hàng dẫn đầu trong các ngân hàng có nợ xấu “phình” to hiện nay.


Biểu đồ lợi nhuận và nợ xấu BIDV trong những năm qua

Biểu đồ lợi nhuận và nợ xấu BIDV trong những năm qua

Nhắc đến các món nợ của BIDV phải kể đến khoản dư nợ 10.664 tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Đây sẽ là gánh nặng cho người kế nhiệm ông Hà. Hiện số phận của HAGL vẫn đang “treo”, cho đến khi Chính phủ gật đầu với phương án tái cơ cấu nợ. Hoặc chí ít cũng phải đợi đến khi công ty tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào tháng 9 tới.

Trả lời cổ đông tại cuộc họp thường niên sáng 24/4, ông Trần Bắc Hà cho hay: "HAGL quan hệ với BIDV 20 năm nay, vay trả song phẳng nhưng do tình hình thị trường nên có chậm. Khi họ khó khăn, cả 10 ngân hàng cho vay đều thấy cần trách nhiệm đồng hành hỗ trợ. Nếu bán toàn bộ thu đủ nợ gốc và có lãi nhưng họ bán rồi thì ai làm. Chúng ta phải có trách nhiệm vun đắp bình ổn thị trường chứ không bới móc ra”.

Cuối nhiệm kỳ của ông Hà cũng có một tin không vui nữa, đó là khoản tiền chi trả cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, khoản cổ tức năm 2015 của BIDV dự tính trả bằng cổ phiếu, nhưng tháng 4 vừa qua, Bộ Tài chính đã “đòi” BIDV phải trả bằng tiền mặt. Nếu phải trả, BIDV sẽ phải chi 2.769 tỷ đồng để trả cho Bộ Tài chính. Đây cũng là tình huống khó xử của người kế nhiệm ông Hà.

Tin đồn rúng động thị trường

Tên tuổi ông Trần Bắc Hà không chỉ gắn liền với việc BIDV phát triển lên thành ngân hàng lớn, thuộc nhóm "big 4" trong làng ngân hàng Việt Nam, mà Chủ tịch BIDV còn “nổi như cồn” bởi thông tin sai lệch rằng, ông bị bắt giữ hồi tháng 2/2013.

Còn nhớ, thông tin đồn thổi đó đã gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính, tiền tệ thời điểm bấy giờ, khiến hàng loạt cổ phiếu bị “bán tháo”, các chỉ số chứng khoán sụt giảm mạnh như VN-Index giảm 18 điểm, tương đương 3,36%, còn HNX Index giảm 3,35 điểm, tương đương -5,3%. Gần 430 mã chứng khoán giảm điểm, trong đó 148 mã giảm sàn. Vốn hóa của thị trường chứng khoán đã mất 29.000 tỷ đồng trong chỉ 1 phiên giao dịch.

Hiền Minh