Ái nữ 9x làm sếp doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng; "Đại gia" thủy sản phải "bán con"

(Dân trí) - Tuần qua, thông tin về 1 nữ doanh nhân còn rất trẻ đã nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT một công ty bất động sản có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng thu hút được rất nhiều sự quan tâm của độc giả. Bên cạnh đó, thông tin về đại gia thủy sản nợ nần chồng chất phải bán công ty con cũng là tâm điểm của sự chú ý.

Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD mới

Tuần qua, Tạp chí Forbes đã chính thức công bố danh sách những tỷ phú USD giàu nhất thế giới năm 2018 trong đó có thêm 2 đại diện mới đến từ Việt Nam là ông Trần Đình Long và ông Trần Bá Dương.

Ái nữ 9x làm sếp doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng; "Đại gia" thủy sản phải "bán con" - 1

Theo đó, ngoài ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet, Việt Nam có thêm 2 tỷ phú USD là ông Trần Đình Long (chủ tịch Hòa Phát) và ông Trần Bá Dương (chủ tịch Thaco).

Theo Forbes, ông Trần Đình Long có khối tài sản 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới. Trong khi đó, tài sản của ông Trần Bá Dương ước tính khoảng 1,8 tỷ USD, đứng thứ 1.339.

Cũng theo bảng xếp hạng 2018, ông Phạm Nhật Vượng đứng ở vị trí 499 với tài sản 4,3 tỷ USD. Tuy nhiên, theo bảng xếp hạng thời gian thực (tính tới hết 6/3), ông Vượng đứng thứ 386 với 5,2 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet xếp thứ 766 với 3,1 tỷ USD theo bảng xếp hạng 2018 nhưng theo thời gian thực (tính tới hết 6/3), bà Thảo đứng thứ 685 với 3,4 tỷ USD.

Đại gia đưa ái nữ 9x làm sếp doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng

Thông tin đăng ký doanh nghiệp cho biết, bà Trần Khuê Giao (sinh năm 1995) vừa được bổ nhiệm nắm giữ vị trí chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Bất động sản C.T (CT Land) có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp hạt nhân trong mảng kinh doanh bất động sản của C.T Group.

Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn C.T Group.
Ông Trần Kim Chung - Chủ tịch Tập đoàn C.T Group.

Nữ doanh nhân 23 tuổi này là con ông Trần Kim Chung (52 tuổi) - Chủ tịch của CT Group và là thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc dân (tiền thân là Navibank, mã chứng khoán NVB), nhiệm kỳ 2015-2020. Ông Trần Kim Chung còn là phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM.

Không chỉ đứng đầu doanh nghiệp 4.000 tỷ, bà Trần Khuê Giao còn là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần CTUOB (vốn hơn 600 tỷ đồng) và CTCP Quốc tế C&T, một công ty con của C.T Group và là giám đốc Công ty CTSB.

Nợ chồng chất, "đại gia" thuỷ sản Hùng Vương phải "bán con"

CTCP Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng (mã VTF) vừa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. ĐHĐCĐ đã đồng ý việc cổ đông hiện hữu là Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Phát triển Nông nghiệp VinEco nhận chuyển nhượng thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF.

Hiện VinEco đang sở hữu 25 triệu cổ phần, tương ứng 24% tổng cổ phần doanh nghiệp. VinEco sẽ nhận chuyển nhượng thêm tối đa 37,6 triệu cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu tại VTF lên tối đa 60%.

Trước đó, chưa hề có thông tin về việc VinEco đã mua vào 24% cổ phần của Việt Thắng.

Trong khi đó, công ty mẹ của VTF là CTCP Hùng Vương (HVG) đã quyết nghị thoái vốn trên 50% vốn VTF (HVG sở hữu 90,38% VTF). Như vậy, có thể khẳng định số cổ phần VTF mà HVG thoái được VinEco mua lại toàn bộ.

Thời gian qua, HVG vừa bán hàng loạt các bất động sản nằm ở những vị trí đắc địa, đồng thời bán hết hơn 54% vốn tại CTCO Thực phẩm Sao Ta (FMC) cho nhóm cổ đông SSI.

Nợ vay là yếu tố chính khiến HVG liên tục phải “bán con”. Tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của HVG còn 9.671 tỷ đồng. Trong đó hơn 6.000 tỷ là nợ vay tài chính khiến chi phí lãi vay của doanh nghiệp luôn ở mức cao, “ăn mòn” lợi nhuận đạt được.

Nhà cựu Thứ trưởng Kim Thoa dồn dập đón tin vui tiền tỷ

Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang (mã chứng khoán DQC) vừa công bố thông báo cho hay, ngày 30/3 tới đây sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018 và chi trả cổ tức đợt 2 năm 2017.

Cho đến thời điểm hiện tại, chiếm phần lớn cổ phần tại Bóng đèn Điện Quang vẫn là nhóm cổ đông liên quan đến cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa với sở hữu 11.782.431 cổ phiếu.

Ái nữ 9x làm sếp doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng; "Đại gia" thủy sản phải "bán con" - 3

Với sở hữu nói trên, nhóm cổ đông này tới đây sẽ được nhận tới 17,7 tỷ đồng tiền mặt và tổng mức cổ tức tiền mặt nhận được cho năm 2017 là 35,3 tỷ đồng.

Trong bối cảnh “tiền mặt là vua” thì việc liên tục chi trả tiền mặt thực sự là tin vui đối với cổ đông Bóng đèn Điện Quang. Hoạt động chi trả cổ tức bằng tiền của Bóng đèn Điện Quang đều đặn và ổn định dù trong năm vừa qua, kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp giảm khá mạnh.

Nữ doanh nhân quyền lực bất ngờ “mất dấu”

Thông tin cập nhật mới nhất của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam (VID Group) thời điểm hiện tại bất ngờ thiếu vắng tên bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Sinh năm 1970, bà Hường được coi là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất giới đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản. Bà đảm nhận vai trò Chủ tịch HĐQT VID Group từ khi tập đoàn này mới thành lập, khi bà 36 tuổi.

Bà Nguyệt Hường trong một lần làm việc với lãnh đạo địa phương đầu năm 2017
Bà Nguyệt Hường trong một lần làm việc với lãnh đạo địa phương đầu năm 2017

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là đại biểu HĐND TP Hà Nội khoá 12, 13 và đại biểu Quốc hội khoá 12, 13. Bà còn có thời gian giữ các chức vụ: Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;…

Tuy nhiên, vào tháng 7/2016, Hội đồng bầu cử quốc gia đã họp đột xuất, bỏ phiếu kín không công nhận tư cách ĐBQH khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường do không đủ tiêu chuẩn và cá nhân có đơn xin rút. Sau đó, bà Hường cũng bị bãi nhiệm đại biểu HĐND thành phố Hà Nội do vi phạm liên quan đến quốc tịch và kê khai tài sản.

Đội ngũ lãnh đạo của VID Group hiện chỉ có 4 người. Thay vào vị trí Chủ tịch HĐQT VID Group là ông Nguyễn Phi Hùng. Ba người còn lại là ông Bùi Quang Tuấn - Tổng giám đốc; ông Lê Anh Dũng – Giám đốc kinh doanh và bà Vũ Thu Hằng – Đại diện kinh doanh cao cấp.

Mới đầu tháng, công ty nhà Cường Đôla “bốc hơi” 220 tỷ đồng

Phiên giao dịch ngày 5/3 đánh dấu phiên thứ 3 liên tiếp, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai giảm giá.

Đóng cửa phiên ngày 5/3, mã này mất 300 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng giảm 2,22% xuống còn 13.200 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá thị trường Quốc Cường Gia Lai theo đó cũng giảm còn 3.632 tỷ đồng, thấp hơn 220 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 2.

So với thời điểm đầu năm, QCG đã giảm 1.900 đồng/cổ phiếu (giảm 12,58%) và chỉ trong 3 phiên giao dịch đầu tháng, mã này đã giảm tới 800 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, so với 1 năm trước, giá QCG vẫn đang tăng hơn 200%.

Gia đình doanh nhân Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) hiện sở hữu tổng cộng 141,8 triệu cổ phiếu tại công ty mang tên con trai bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT QCG. Trong 3 phiên đầu năm, gia đình này thiệt hại khoảng 113,5 tỷ đồng tài sản cổ phiếu.

Ngành thép điêu đứng, bầu Long “thủng túi” 1.200 tỷ đồng

Cổ phiếu ngành thép sáng ngày 5/3 diễn biến khá tiêu cực. Dù phiên cuối tuần trước, các mã thép giảm giá nhẹ, giới phân tích cho rằng, việc thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng mạnh không ảnh hưởng nhiều đến ngành này, nhưng đến 5/3, các mã đầu ngành lại lao dốc.

Tài sản vua thép Trần Đình Long bị tác động mạnh do HPG giảm giá sâu
Tài sản "vua thép" Trần Đình Long bị tác động mạnh do HPG giảm giá sâu

Cổ phiếu HPG của Hoà Phát giảm 3.300 đồng, HSG của Hoa Sen giảm 700 đồng, NKG của Nam Kim giảm 1.600 đồng… Các mã khác như POM, TVN, SMC, TLH, VGS, DNY, VCA… đỏ sàn.

Với việc HPG giảm 4,98% (ngày 5/3), tài sản cổ phiếu của ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT Hoà Phát đã giảm mạnh. Hiện tại, ông Long sở hữu 381.557.138 cổ phiếu HPG. Với mức sở đó, ông chủ Hoà Phát ghi nhận “mất” 1.259,1 tỷ đồng chỉ trong vòng 1 phiên giao dịch sáng.

Cổ phiếu HPG đến thời điểm tạm dừng phiên sáng 5/3 có giá 63.000 đồng. Tương ứng, khối tài sản tính đến thời điểm của ông Trần Đình Long đạt 24.038 tỷ đồng.

Thế Hưng

Ái nữ 9x làm sếp doanh nghiệp 4.000 tỷ đồng; "Đại gia" thủy sản phải "bán con" - 6