Ai được mua bán vàng và ngoại tệ với nước ngoài?
“Trong tương lai gần có thể cho phép cá nhân người Việt kinh doanh vàng và ngoại tệ” - ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho biết.
Nhiều công ty và văn phòng kinh doanh dịch vụ mua bán vàng và ngoại tệ qua mạng. Với tư cách là người đại diện của cơ quan quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước, ông nghĩ như thế nào về điều này?
Đó là việc làm vi phạm vì các công ty và văn phòng đại diện không được phép thực hiện giao dịch mua bán ngoại tệ hay vàng.
Pháp lệnh Ngoại hối không cho phép cá nhân kinh doanh ngoại tệ hay vàng ra thế giới. Đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phải được phép của Ngân hàng Nhà nước.
Văn phòng đại diện vốn dĩ không được kinh doanh hàng hóa bình thường nói gì đến kinh doanh ngoại hối. Chỉ có các tổ chức tín dụng mới được phép kinh doanh ngoại hối còn các đơn vị khác không được phép.
| |
ông Trương Văn Phước. |
Ngoài ra, cho đến nay không có công ty hay ngân hàng nước ngoài nào được phép kinh doanh vàng ở Việt Nam.
Theo nhận định ban đầu có đến 20 công ty kinh doanh dịch vụ mua bán ngoại tệ và vàng xuất hiện ở Việt Nam và các công ty này hoạt động từ mấy năm nay. Ngân hàng Nhà nước có biết điều này không và phản ứng của Ngân hàng Nhà nước sẽ là gì?
Dư luận là như thế nhưng phải thanh tra và kiểm tra thì mới biết có bao nhiêu đơn vị kinh doanh dịch vụ mua bán ngoại tệ, vàng không được phép và những đơn vị này đã hoạt động được bao nhiêu lâu ở Việt Nam.
Chúng ta chỉ có thể thống kê những đơn vị hợp pháp còn những đơn vị phi pháp thì không dễ xác định.
Tuy nhiên việc các công ty hay văn phòng đại diện không phải là tổ chức tài chính, tín dụng tham gia vào lĩnh vực này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp phép đầu tư và thương mại địa phương.
Cụ thể, các đơn vị hoạt động trên địa bàn TPHCM thì các cơ quan quản lý như Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Thương mại TPHCM có trách nhiệm thanh tra và xử lý.
Tôi xin nhắc lại là chỉ có các ngân hàng thương mại mới được phép kinh doanh ngoại tệ và một số tổ chức tín dụng được kinh doanh vàng thông qua tài khoản nước ngoài.
Kinh doanh vàng và ngoại tệ rất phổ biến ở các nước. Người dân có thể lên mạng và mua bán những loại hàng hóa này khá dễ dàng. Một số công ty xuất nhập khẩu cũng kinh doanh ngoại tệ qua mạng. Ông đánh giá như thế nào về việc này và theo đánh giá của ông khi nào điều này mới được phép ở Việt Nam?
Đúng là mua bán vàng và ngoại tệ qua mạng rất phổ biến ở các nước như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...
Tuy nhiên, không thể so sánh với Việt Nam vì quá khập khiễng và cũng không thể áp dụng ngay đối với Việt Nam. Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và tìm kiếm những cái phù hợp để đi theo, nhưng những cái đó phải có lộ trình và phải được cụ thể bằng luật pháp.
Các công ty xuất nhập khẩu cũng vậy. Không ai cấp phép cho họ để kinh doanh vàng và ngoại tệ trên mạng Với tư cách là đại diện cơ quan quản lý tôi khẳng định là không công ty xuất nhập khẩu nào được phép. Tuy nhiên, các công ty này được phép tiếp cận các công cụ ngân hàng để bảo đảm.
Thế còn trong lộ trình gia nhập WTO của Việt Nam, việc này được tự do hóa như thế nào thưa ông?
Câu hỏi này được đặt trong ngữ cảnh hội nhập quốc tế và sự tham gia vào các hiệp định của Việt Nam đối với các nước. Nói chung hội nhập là tự do hóa thương mại và dịch vụ. Việt Nam cam kết mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng.
Tuy nhiên việc này không nói cụ thể trong WTO. Mở cửa thị trường tài chính, ngân hàng theo lộ trình và sẽ được qui định cụ thể trong luật, riêng hoạt động ngoại hối được thể chế hóa trong pháp lệnh ngoại hối. Khi đó cá nhân có được phép kinh doanh ngoại tệ hay vàng hay không.
Trong tương lai, có thể cho phép cá nhân người Việt kinh doanh vàng và ngoại tệ. Đó là xu hướng, tuy nhiên, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của tự do hóa thì chưa thể cho phép cá nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Theo Minh Quang
VnEconomy