1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Agribank – Tài chính toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu, phát triển bền vững nông nghiệp - nông thôn đang là mối quan tâm lớn của APEC và các tổ chức quốc tế. Định hướng tài chính toàn diện phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong bốn nội dung hợp tác ưu tiên thuộc khuôn khổ tiến trình hợp tác Bộ trưởng Tài chính APEC trong năm 2017.

Gần 30 năm phát triển và giữ vai trò chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn, Agribank luôn kiên định mục tiêu vì “Tam nông” phát triển bền vững. Đến nay, tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn của Agribank đạt 73,9%/tổng dư nợ, chiếm khoảng 53% thị phần tín dụng của ngành ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này. Agribank đã để lại dấu ấn lớn trong việc “mở đường” phát triển nông nghiệp sạch thông qua cung cấp gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng nhằm đầu tư chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn “cho người Việt Nam, cho Thế giới”.

Agribank đã ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hàng chục đợt giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng sản xuất “Nông nghiệp sạch”, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; ưu tiên nguồn vốn hợp lý đảm bảo tăng trưởng tín dụng phù hợp, bền vững; cho vay hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo, cho vay thí điểm các mô hình liên kết trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp...

Agribank – Tài chính toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn - 1

Thách thức trong hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng gặp những thách thức không nhỏ. Đây là lĩnh vực có chi phí hoạt động cao do số lượng món vay nhỏ và địa bàn rộng, rủi ro lớn bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, thị trường tiêu thụ hàng hóa, lãi suất cho vay thấp, sự cố môi trường, tình trạng sản xuất thiếu an toàn.... Sản xuất nông nghiệp của Việt Nam chưa hình thành được những chuỗi giá trị nông sản có khả năng cạnh tranh cao, các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn; việc ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại chưa phổ biến nên giá thành sản xuất cao, sản phẩm khó cạnh tranh, ảnh hưởng khả năng trả nợ ngân hàng; công tác quy hoạch vùng, tiểu vùng phục vụ dự án, phương án vay vốn tại một số nơi chưa ổn định, chưa sát thực tế; mô hình chuỗi giá trị liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn thiếu sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt; việc chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn, sản phẩm nông nghiệp thường bị ép giá, ảnh hưởng đến nguồn trả nợ của người vay; việc kiểm soát các yếu tố đầu vào (giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật...) gặp nhiều khó khăn.

Kiên định mục tiêu chủ lực trên thị trường tài chính nông thôn và vượt qua mọi trở ngại.

Dù đứng trước khó khăn, thách thức, trong Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư, hỗ trợ phát triển và cung cấp các dịch vụ tài chính, tín dụng cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Đối với các khu vực bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiên tai, Agribank đã chủ động phối hợp với chính quyền các cấp và khách hàng rà soát, đánh giá mức độ bị thiệt hại liên quan đến khoản vay, áp dụng các biện pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, miễn giảm lãi suất, tiếp tục cho vay mới giúp khách hàng có điều kiện để khôi phục lại sản xuất, ổn định kinh doanh; có nhiều chính sách ưu đãi trong nông nghiệp, đặc biệt tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Riêng năm 2016 và các tháng đầu năm 2017, Agribank đã thực hiện 12 đợt giảm lãi suất cho vay, triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi lãi suất trên toàn quốc, với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm để hỗ trợ các đối tượng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về thực hiện các giải pháp về lãi suất, đồng thời chia sẻ, hỗ trợ khách hàng hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiếp tục hướng dòng vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Agribank đã nghiêm túc, tiên phong thực hiện hạ lãi suất cho vay đối với khách hàng. Đặc biệt, để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng vay vốn và ngân hàng bảo đảm được nguồn thu nợ, Agribank đã hợp tác với Công ty bảo hiểm ABIC triển khai rất thành công chương trình bảo hiểm tín dụng cho gần 1,9 triệu hộ nông dân vay vốn, số tiền chi trả bồi thường bình quân khoảng trên 300 tỷ một năm.

Dòng tín dụng xanh trong nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Để đạt mục tiêu đề ra, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng, tăng trưởng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Theo đó, Agribank đẩy mạnh huy động vốn, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng đối với các lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp. Agribank tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước… Đồng thời, Agribank đẩy mạnh phát triển sản phẩm dịch vụ mới, cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí hoạt động để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông”, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn đối với khách hàng, đẩy mạnh dòng vốn tập trung sản xuất, kinh doanh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại

Với vai trò của một định chế tài chính hàng đầu, Agribank hiểu rõ tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính chính thống phù hợp và thuận tiện cho tất cả các thành phần trong xã hội, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp, dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội kinh doanh, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, Agribank hướng tới mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để mở rộng phạm vi, đối tượng tiếp cận, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hiện nay, Agribank đang chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ cao. Triển khai dự án E-Banking để xây dựng nền tảng dịch vụ đa kênh hoàn chỉnh, giúp khách hàng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là Internet Banking và Mobile Banking. Triển khai giao diện và chức năng mới trên Internet Banking như chuyển khoản, chuyển tiền tiết kiệm điện tử, theo dõi thông tin tín dụng và thu thuế cho khách hàng cá nhân. Nghiên cứu và phát triển các ứng dụng mobile phục vụ nội bộ ngân hàng và cung cấp cho khách hàng... Đặc biệt, Agribank cũng sẽ đẩy mạnh việc phát triển các sản phẩm về thanh toán để tận dụng ưu thế của Agribank về mạng lưới và số lượng khách hàng. Agribank tiếp tục xây dựng và triển khai các giải pháp nghiệp vụ, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống, bổ sung các chức năng mới của hệ thống IPCAS, hệ thống thông tin quản lý đáp ứng các yêu cầu của Agribank và Ngân hàng Nhà nước.

Trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, Agribank tiếp tục mở rộng các kênh phân phối điện tử, tối ưu hóa các sản phẩm dịch vụ, tạo sự thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi cho khách hàng sử dụng, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay với nhiều giải pháp như Ngân hàng đa kênh với phân hệ E-Banking được triển khai hỗ trợ điện thoại và các thiết bị di động thông minh, đáp ứng yêu cầu phát triển các kênh phân phối mới.

Khẳng định vị thế trong hoạt động hợp tác quốc tế

Để tranh thủ sự giúp đỡ, hợp tác, tạo cơ hội tiếp cận, thực hiện triển khai dự án đối với các bộ ngành và các tổ chức, nhà tài trợ quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính nông nghiệp, nông thôn, Agribank không ngừng mở rộng và đa dạng hóa mối quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, chủ động xây dựng các chương trình, dự án để vận động, thu hút nguồn vốn tài trợ của nước ngoài.

Từng bước thực hiện định hướng của Agribank trong việc phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác tại các thị trường quốc tế, Agribank tiếp tục ghi dấu ấn là thành viên tích cực trong quan hệ hợp tác đa phương thông qua các diễn đàn quốc tế lớn tại các Hiệp hội, tổ chức quốc tế uy tín như APRACA, CICA, WSBI…

Hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập (1988-2018), với những thành tựu đã đạt được và bề dày kinh nghiệm trên thương trường, Agribank quyết tâm tận dụng mọi cơ hội, nhanh chóng củng cố và hoàn thiện để vượt qua thách thức, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, mở rộng thị trường, thị phần với mục tiêu giữ vững vai trò ngân hàng bán lẻ số một trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, từng bước khôi phục thị phần tại khu vực đô thị; tăng trưởng quy mô gắn với khả năng quản trị rủi ro, hoạt động an toàn và hiệu quả; nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn theo quy định; là đối tác tin cậy, là người bạn đồng hành thủy chung, son sắt của hơn 60 nghìn doanh nghiệp, 4 triệu hộ sản xuất và gần 12 triệu khách hàng cá nhân trên khắp mọi miền đất nước.

Agribank là NHTM duy nhất trong Top 10 của Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (VNR500) liên tục giữ vững danh hiệu Top 10 doanh nghiệp, thương hiệu mạnh, danh tiếng nhất Đông Nam Á; Ngân hàng thực hiện tốt nhất về an sinh xã hội, đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, hệ thống dịch vụ ATM trong khu vực Đông Nam Á; tiếp tục được giải thưởng Sao Khuê; được tổ chức xếp hạng quốc tế Fitch xếp hạng mức “B+”; Tạp chí Banker xếp hạng 446 trong 1.000 ngân hàng lớn nhất thế giới.

Vân Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm