Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các nhà băng cho vay ra sao?

Thảo Thu

(Dân trí) - 4 ngân hàng có vốn Nhà nước năm 2024 cho khách hàng vay gần 7 triệu tỷ đồng, nhiều hơn tổng số tiền tất cả ngân hàng tư nhân còn lại cho vay. Tăng trưởng cho vay nhóm này đạt 2 chữ số.

4 ngân hàng lớn cho vay gần 7 triệu tỷ đồng

Theo số liệu phóng viên Dân trí thống kê từ báo cáo tài chính quý IV/2024 và báo cáo sơ bộ của các ngân hàng. Năm ngoái, Big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) tiếp tục là các đơn vị dẫn đầu về cho vay khách hàng. Cả 4 ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng cho vay tăng 2 chữ số trong năm ngoái.

BIDV tiếp tục là "quán quân" về cho vay khách hàng, với quy mô gần 2,06 triệu tỷ đồng tính đến cuối năm ngoái, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, BIDV chỉ dẫn đầu về số tuyệt đối, còn dẫn đầu về phần trăm tăng trưởng là VietinBank. Ngân hàng này đến hết năm ngoái có số dư cho vay khách hàng là hơn 1,721 triệu tỷ đồng, tăng 16,9%.

Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024. Tuy nhiên, theo số liệu tạm thời do ngân hàng này chia sẻ, số dư cho vay khách hàng đến hết năm ngoái lên tới 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 10,8%. Ngân hàng này cũng có tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong nhóm 4 ngân hàng lớn.

Vietcombank xếp thứ 4 trong nhóm trên, với quy mô cho vay là 1,449 triệu tỷ đồng, tăng 14,1%. Dù là "quán quân" lợi nhuận toàn ngành song Vietcombank không phải "quán quân" cho vay.

Tính chung 4 ngân hàng có vốn Nhà nước, số dư cho vay khách hàng đạt gần 7 triệu tỷ đồng. Cả năm ngoái, 4 ngân hàng này cho vay hơn 6 triệu tỷ đồng.

Không có ngân hàng nào giảm cho vay

Với nhóm tư nhân, khảo sát của phóng viên Dân trí ghi nhận cũng không có ngân hàng nào ghi nhận giảm ở quy mô cho vay khách hàng. Chỉ 2 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng một chữ số, còn lại đều tăng trưởng ở mức 2 chữ số.

Dẫn đầu về lượng vốn cung ứng ra thị trường trong nhóm tư nhân năm 2024 là MB. Đơn vị này cho vay 776.658 tỷ đồng năm ngoái, tăng tới 27,1%. Năm 2023, MB cũng là "quán quân" cho vay ở nhóm nhà băng tư nhân.

Thậm chí, MB năm vừa rồi cũng là ngân hàng nhận nhiều tiền gửi nhất nhóm này, với số dư đạt 714.154 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cuối năm ngoái, là đơn vị có tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất hệ thống.

Theo sau MB là "á quân" nhóm tư nhân VPBank, với số dư cho vay là 692.876 tỷ đồng, tăng 22,4%. Một ngân hàng khác có số dư cho vay vượt 600.000 tỷ đồng là Techcombank với 631.725 tỷ đồng cho vay, tăng 21,8%.

Trong top 10 về cho vay khách hàng toàn ngành, một số đơn vị khác có thể kể đến là ACB với 580.686 tỷ đồng, tăng 19,1%; Sacombank với 539315 tỷ đồng, tăng 11,7%; SHB với 519.950 tỷ đồng, tăng 18,6%.

Ngoài top 10, một số ngân hàng tư nhân khác quy mô nhỏ cũng ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao, vượt 20%. Đơn cử là VietABank tăng 33,1%, HDBank tăng 28,9%, NCB tăng 28,6%, TPBank tăng 22%, VIB tăng 21,7%, LPBank tăng 20,4%...

Năm qua, có 24/26 ngân hàng công bố báo cáo tài chính đã tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng ở mức 2 con số. Có 2 ngân hàng ghi nhận số dư cho vay tăng trưởng một chữ số là Saigonbank tăng 9,4%; VietABank tăng 0,6%, đạt 98.738 tỷ đồng.

Tổng quy mô cho vay của nhóm tư nhân là hơn 6,4 triệu tỷ đồng.

Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank và các nhà băng cho vay ra sao? - 1

Tăng trưởng tín dụng năm 2025 dự kiến 16% (Ảnh: Mạnh Quân).

Năm ngoái, mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước đặt ra là tín dụng tăng 14-15%. Con số đạt được là 15,08%. Trước đó, dư nợ tín dụng có xu hướng tăng tốc từ nửa cuối quý II, sau khởi đầu chậm chạp trong khoảng 5 tháng đầu năm và bứt phá vào những tháng cuối năm.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, đồng thời có lộ trình hạn chế và tiến tới bỏ việc phân bổ hạn mức cho từng nhà băng.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị sẽ dựa vào kết quả chấm điểm xếp hạng năm 2023 theo quy định tại Thông tư 52, nhân với hệ số áp dụng chung cho các ngân hàng.

Nhà điều hành sẽ chủ động điều chỉnh chỉ tiêu, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cung ứng đủ và kịp thời vốn cho nền kinh tế mà không cần có văn bản đề nghị.

Đồng thời, cơ quan quản lý này nói tiếp tục triển khai lộ trình hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng theo Nghị quyết 62.