1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

ACB, Bảo Việt, MSB... "mệt mỏi" thu hồi nợ quá hạn của công ty tàu biển

Việt Đức

(Dân trí) - Liên tục nợ quá hạn nhiều ngân hàng, lại chưa có phương án hiệu quả khắc phục khả năng thanh khoản, Vitranschart tiếp tục bị đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ.

Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam - Vitranschart (mã chứng khoán: VST) vừa công bố báo cáo tài chính bán niên soát xét với việc tiếp tục nhận được ý kiến ngoại trừ của kiểm toán viên. Hơn 5 năm qua, công ty này luôn bị đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ (ngoại trừ: sự phản ánh việc kiểm toán viên không thể đưa ra một ý kiến kiểm toán không đủ tiêu chuẩn hoặc không rõ ràng - PV).

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính, Vitranschart cho biết đã nhận được văn bản của Ngân hàng MSB yêu cầu truy thu lãi vay và lãi phạt liên quan đến khoản vay vốn lưu động từ quý III/2015 đến tháng 3 vừa qua với tổng giá trị 94 tỷ đồng công ty không thực hiện trả nợ theo đúng kế hoạch.

Trong đó, chi phí lãi vay đã trích từ các năm trước là 27 tỷ đồng, cần ghi nhận bổ sung 65 tỷ đồng. Công ty cho biết đang tiếp tục thương lượng với MSB nhằm thống nhất kế hoạch trả nợ mới để được miễn giảm chi phí lãi vay và lãi phạt phát sinh nêu trên và bước đầu đã đạt được thỏa thuận về kế hoạch gia hạn trả nợ với khoản vay vốn lưu động. 

Hiện tại, Vitranschart mới ghi nhận 34 tỷ đồng chi phí liên quan trong kỳ kế toán 6 tháng và dự kiến sẽ hạch toán đủ phần còn lại nếu không đạt thỏa thuận miễn giảm lãi với ngân hàng.

Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh với những tài liệu đã thu thập, chưa thể xác định được chi phí lãi vay và lãi chậm trả cần ghi nhận vào chi phí trong kỳ cũng như chi phí cần điều chỉnh hồi tố vào các năm trước. Phía kiểm toán cũng không thể đánh giá được khả năng được tiếp tục miễn giảm lãi vay, lãi phạt, cũng như rủi ro bị thu hồi tài sản do không trả được nợ và ảnh hưởng của sự kiện này nếu phát sinh đến báo cáo tài chính của Vitranschart.

ACB, Bảo Việt, MSB... mệt mỏi thu hồi nợ quá hạn của công ty tàu biển - 1

Liên tục thua lỗ từ năm 2012, Vitranschart đã lỗ lũy kế gần 2.400 tỷ đồng (Biểu đồ: Việt Đức).

Trước đó, công ty này cũng đã gặp nhiều vấn đề với các ngân hàng thương mại.

Năm 2018, TAND TPHCM từng phán quyết Vitranschart phải thanh toán ngay toàn bộ gốc vay và lãi chậm trả cho Ngân hàng ACB chi nhánh Sở Giao dịch TPHCM. Vitranschart sau đó nộp đơn xin phúc thẩm lên TAND cấp cao tại TPHCM. HIện tại, ACB đã chuyển giao nguyên trạng quyền chủ nợ cho Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam (DATC).

Ngoài ra, Vitranschart còn dính vào vấn đề pháp lý với ngân hàng Indovina. Nhà băng này khởi kiện công ty ra TAND quận 4 - TPHCM và đến cuối năm 2018, vụ việc được chuyển lên TAND TPHCM giải quyết. Hiện tại, vụ án vẫn chưa được xét xử. 

Đến hết tháng 6, Vitranschart đang có dư nợ tổng cộng gần 1.000 tỷ đồng với nhiều tổ chức tín dụng. Trong đó, nhiều khoản nợ của Vitranschart tại các ngân hàng MSB, ACB, Bảo Việt, VDB đã quá hạn.

Tổng cộng các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán của Vitranschart là hơn 550 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí lãi vay công ty phải trả cho các khoản vay quá hạn này là hơn 1.200 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cho biết Vitranschart chưa có phương án hiệu quả để khắc phục khả năng thanh khoản cũng như tìm kiếm được nguồn tiền để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới. 

Chính vì những yếu tố trên, đơn vị kiểm toán cho rằng có yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty. 

Trong 6 tháng qua, dù doanh thu đột biến tăng gấp đôi cùng kỳ, Vitranschart vẫn lỗ ròng gần 300 triệu đồng. Đến hết tháng 6, lỗ lũy kế của công ty lên tới hơn 2.360 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vitranschart âm 1.700 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của doanh nghiệp lên tới gần 2.100 tỷ đồng, cao gấp 9 lần tài sản ngắn hạn. 

Vitranschart từng là công ty con của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Sau khi thoái bớt vốn, VIMC hiện sở hữu hơn 47% cổ phần Vitranschart. 

Năm gần nhất Vitranschart có lãi là 2011. Từ năm 2012 đến nay, công ty này chỉ nếm mùi thua lỗ. Cổ phiếu VST bị hạn chế giao dịch trên sàn UPCoM và hiện có thị giá chưa đến 5.000 đồng, vốn hóa doanh nghiệp tương ứng chỉ khoảng 300 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm