99% máy bay “đắp chiếu”, Cục Hàng không xin hỗ trợ khẩn cấp
(Dân trí) - Cục Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông vận tải (GTVT) báo cáo Chính phủ sớm ban hành chính sách cấp bách “cứu” ngành hàng không, trong bối cảnh dịch Covid-19 “tàn phá” nặng nề.
Tình cảnh bi đát của hàng không Việt Nam
Báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ GTVT cho biết: Các hãng hàng không Việt Nam gần như đã dừng khai thác toàn bộ các đường bay quốc tế và nội địa.
Hiện tại, các hãng chỉ khai thác một số chuyến bay để vận chuyển khách từ Việt Nam đi quốc tế, các chuyến bay chở hàng hóa và 3 đường bay nội địa nối Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM với tần suất tối thiểu để phục vụ nhu cầu thiết yếu về vận chuyển hàng không.
Từ ngày 1/4 đến nay, lượng hành khách vận chuyển hàng không chỉ bằng 1-2% so với thời điểm trước khi có dịch. Hầu hết, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam đang phải đậu lại tại các cảng hàng không, không được đưa vào khai thác.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Vietnam Airlines là 1 trong những doanh nghiệp có vốn nhà nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Trong 3 tháng đầu năm 2020, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này ước đạt 19.212 tỷ đồng, giảm 6.712 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019, lỗ 2.383 tỷ đồng.
Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) - đơn vị “đầu não” điều hành toàn bộ các chuyến bay trên vùng trời Việt Nam bị giảm sản lượng điều hành bay nghiêm trọng. Tính riêng trong tháng 2/2020, tổng sản lượng điều hành bay qua giảm hơn 14.599 chuyến, tương đương giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng điều hành bay đi, đến (chuyến bay quốc tế) giảm gần 3.415 chuyến, tương đương giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng 3/2020, các hãng hàng không tiếp tục cắt giảm hàng loạt các chuyến bay đi/đến, sản lượng điều hành bay dự báo sẽ tiếp tục sụt giảm, đồng nghĩa với tổng thu tiền điều hành bay năm 2020 sẽ giảm tương ứng.
Điểm sáng “le lói” duy nhất của ngành hàng không Việt Nam là tổng doanh thu của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trong quý I/2020 ước đạt 4.064 tỷ đồng, giảm 832 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận ước đạt 1.857 tỷ đồng, giảm 586 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu của ACV đạt 11.339 tỷ đồng, giảm 10.230 tỷ đồng so với kế hoạch 2020; lợi nhuận đạt 1.476 tỷ đồng, giảm 9.335 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.
Miễn, giảm thuế, giãn thời gian nộp ngân sách
Gỡ khó cho doanh nghiệp trong ngành, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ GTVT tiếp tục báo cáo Chính phủ sớm cho phép các đơn vị ngành hàng không được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1 đến ngày 31/12 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Riêng với các hãng hàng không, Cục Hàng không đề xuất miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.
Trường hợp cân đối Ngân sách gặp khó khăn thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; cho phép các doanh nghiệp được giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách.
Đề nghị áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ 1/3 - 31/8/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh.
Cục Hàng không đề nghị cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá trong thời gian từ 1/3 - 31/12/2020 và có thể điều chỉnh tùy theo diễn biến của dịch bệnh...
Cơ quan quản lý cao nhất của ngành hàng không đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem việc hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán cho các hãng hàng không.
Hàng không toàn cầu “bốc hơi” hơn 120 tỷ USD
Ngày 7/4, Tổ chức Hàng không dân dụng thế giới (ICAO) đưa đánh giá, trong tháng 3/2020 sản lượng hành khách quốc tế đã giảm tới 33%, không chỉ ở một số nước trải qua đợt bùng phát sớm nữa mà đã mở rộng quy mô ảnh hưởng toàn cầu. Dự báo sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế trong tháng 4/2020 sẽ giảm sâu, khoảng 85%.
Uớc tính sơ bộ, nếu dịch Covid-19 chỉ ảnh hưởng đến vận chuyển hành khách quốc tế trong suốt nửa đầu năm 2020, tương ứng với kịch bản khả năng hồi phục của thị trường từ tháng 5 hoặc tháng 6/2020, tổng sản lượng hành khách giảm từ 443 - 561 triệu lượt khách; tổng doanh thu của các hãng hàng không giảm từ 98 - 124 tỷ USD.
Trường hợp dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng kéo dài đến quý 3/2020, tổng doanh thu vận chuyển hành khách quốc tế của các hãng hàng không toàn cầu sẽ mất thêm 35 tỷ USD mỗi tháng.
Châu Như Quỳnh