Thanh Hóa:
8X bỏ việc lương hàng chục triệu đồng về quê làm nước mắm
(Dân trí) - Với thu nhập gần 3.000 USD/tháng (hơn 60 triệu đồng) ở Nhật Bản, nhưng anh Nguyễn Văn Các (34 tuổi) vẫn quyết định quay trở về quê hương để phát triển nghề làm nước mắm của gia đình đã hơn 100 năm.
Tìm hướng đi mới cho nước mắm
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề làm nước mắm Khúc Phụ, xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), nước mắm như đã gắn vào máu thịt của anh Nguyễn Văn Các.
Bởi thế, dù sang đất nước Nhật Bản vừa học vừa làm 5 năm, thu nhập gần 3.000 USD/tháng, anh vẫn quyết định trở về quê nhà khởi nghiệp bằng chính nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình.
"Những năm ở Nhật Bản, mình luôn trăn trở nghề làm nước mắm truyền thống của gia đình dù đã tồn tại cả trăm năm nhưng cũng chỉ loanh quanh trong địa phương, không phát triển được. Hơn nữa, đời bố mẹ mình là đời thứ 3, nếu mình không kế thừa thì nghề truyền thống của gia đình sẽ không còn. Đặc biệt, những năm trước đây rất khó khăn nhưng ông bà cũng như bố mẹ vẫn cố gắng gìn giữ nghề. Chính vì vậy, năm 2015, thì mình quyết định về nước dù lúc đó gia đình phản đối" - anh Các trải lòng.
Anh cũng cho biết, ngay sau khi trở về nước, anh bắt tay ngay vào việc nghiên cứu phương pháp làm mới nhưng vẫn giữ được hương vị truyền thống từ thời cha ông. Sau đó, anh nghĩ đến phương án mở rộng quỹ đất để làm cơ sở. Bên cạnh đó, tìm đầu ra, hướng đi cho sản phẩm, làm thế nào để có thương hiệu đứng vững trên thị trường….
"Để làm nên những giọt nước mắm Khúc Phụ là cả một quy trình nghiêm ngặt, khâu đầu tiên cũng là khâu quyết định đến độ ngon của nước mắm là tuyển chọn cá. Cá làm mắm nhất thiết phải là cá tươi, cá càng tươi thì vị nước mắm càng đậm ngon, trong đó chủ yếu là cá Nục, cá Cơm, cá Lâm với tỷ lệ là 3 cá, 1 muối.
Với cách làm truyền thống, quá trình phân giã cá tự nhiên kéo dài từ 12 - 24 tháng, tùy thuộc vào từng loại cá, thời gian ngâm ủ càng lâu thì nước mắm càng thơm ngon, nước mắm Khúc Phụ loại cốt để càng lâu càng quý" - anh Các chia sẻ.
Sản xuất nước mắm thu nhập 3 - 5 tỉ đồng/năm
Bằng nghị lực và sự kiên trì theo đuổi đến cùng mục tiêu, với hướng đi riêng chàng trai 8X từng bước vượt qua các khó khăn, cản trở, thất bại…
Năm 2017, anh quyết định thành lập công ty, Công ty TNHH Khuê Các. Đến nay, anh Các đã có một cơ ngơi bề thế với hệ thống nhà xưởng sản xuất, nhà kho khép kín, có năng lực sản xuất và phân phối.
Năm 2020, cơ sở của gia đình anh Các đạt 200.000 lít nước mắm và mắm tôm, mắm tép/năm, với doanh thu dao động từ 3-5 tỉ đồng/năm.
Nước mắm của gia đình anh Các đã được phân phối rộng khắp nơi trong nước, công ty đang tạo công ăn việc làm chính thức cho 14 lao động địa phương với thu nhập trung bình từ 6-10 triệu đồng/tháng và hơn 10 lao động thời vụ.
Bên cạnh đó, mỗi năm xưởng sản xuất tại thôn Bắc Sơn, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa của công ty này còn tiêu thụ cho bà con ngư dân khoảng 200 tấn cá biển và hơn 100 tấn muối. Các sản phẩm từ mắm và nước mắm Khúc Phụ đang có mặt ở khắp các tỉnh thành, các nhà hàng, khách sạn. Sắp tới, anh Các đang xây dựng chuỗi cung ứng cho các siêu thị lớn trên toàn quốc.
Anh Trần Văn Cường - một công nhân - cho biết: "Trước đây, tôi có thời gian đi làm nghề biển rồi ra Bắc vào Nam làm ăn, nhưng với đồng lương lao động phổ thông không thể trang trải ở các thành phố lớn. Hai năm nay, tôi trở về quê và vào làm việc trong công ty, được gần nhà, mức thu nhập lại cao và ổn định - 10 triệu đồng/tháng".
Kế hoạch của anh Các là trong 3 năm tới sẽ phấn đấu mỗi năm sản xuất 1.000 tấn mắm, tương đương 1 triệu lít/năm. Bên cạnh đó, sẽ mở rộng cơ sở với hơn 1 ha; đưa mặt hàng của gia đình vào hệ thống siêu thị khắp các tỉnh trong nước. Sau đó, sẽ đưa xuất khẩu ra thị trường thế giới.
"Tôi mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ về quỹ đất, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để các doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể vươn xa hơn. Từ đó, giúp người lao động địa phương có cơ hội thay đổi cuộc sống" - Nguyễn Văn Các chia sẻ