8 triệu con gà nhập lậu "tuồn" vào Việt Nam

(Dân trí) - Chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc ở bên kia biên giới khoảng 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá gấp đôi 30.000-35.000 đồng/kg. Khi về đến các chợ, giá lên đến 65.000-70.000 đồng/kg.

Theo thông tin được đưa ra tại dự thảo Đề án "Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm không được phép nhập khẩu" do Bộ Công thương soạn thảo, gia cầm thải loại nhập lậu có dùng thuốc kháng sinh, các loại hóa chất khác cao quá mức và 100% mẫu xét nghiệm cho thấy tồn dư kháng sinh vượt quá mức cho phép.

Nguy cơ lây lan dịch bệnh từ gia cầm nhập lậu sang đàn gia cầm trong nước rất cao do có tới 60% mẫu được kiểm nghiệm chứa vi rút gia cầm, trong đó có một số chủng vi rút gây dịch bệnh mà niện nay nước ta chưa có vắc xin đặc hiệu để phòng ngừa.

Bộ Công thương cho biết, riêng tại chợ Hà Vỹ, Thường Tín, Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2012, hàng ngày có khoảng 80 tấn gà nhập lậu được đưa vào tiêu thụ.

4 tấn gà nhập lậu bị bắt tại bến phà Quang Minh, Ba Vì, Hà Nội.
4 tấn gà nhập lậu bị bắt tại bến phà Quang Minh, Ba Vì, Hà Nội.

Sau khi có công điện số 1108 ngày 31/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ còn vài hộ kinh doanh với khối lượng không nhiều. Tuy nhiên, từ tháng 9, do không thấy các lực lượng chức năng kiểm tra kiểm soát quyết liệt thì việc kinh doanh gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vỹ lại gia tăng trở lại.

Thời gian vừa qua, tại địa bàn 8 tỉnh, thành phố Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang và Hà Nội các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý hơn 900 vụ, phạt hành chính 6,6 tỷ đồng, tịch thu 243 tấn gia cầm, hơn 152.000 trứng gia cầm.

9 tháng đầu năm, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra xử lý hơn 6.400 vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền phạt hành chính khoảng gần 31 tỷ đồng.

Điển hình, ngày 21/4, phát hiện khoảng 3 tấn gà lậu, gà chết không rõ nguồn gốc xuất xứ được vận chuyển từ Móng Cái về Hà Nội. Ngày 6/10, tiếp tục phát hiện 3.150 kg gà nhập lậu; ngày 2/11, phát hiện 12.000 con gà nhập lậu từ Trung Quốc.

Mới nhất, vào ngày 20/11, chi cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với Công an thành phố đã bắt giữ xe tải chở hơn 200 lồng gà nhập lậu với trọng lượng trên 4 tấn tại Ba Vì (Hà Nội).

Nguyên nhân được xác định do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc ở bên kia biên giới khoảng 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá gấp đôi 30.000-35.000 đồng/kg. Khi về đến các chợ, giá lên đến 65.000-70.000 đồng/kg.

Khi các trại chăn nuôi thải loại gia cầm với số lượng lớn thị giá gia cầm rất rẻ, có thời điểm chỉ có 25.000 đồng/kg tại Móng Cái, kích thích các đầu nậu gia tăng hoạt động vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu.

Việc vận chuyển gà thoải loại có nguồn gốc từ Trung Quốc được tổ chức thành đường dây, tổ chức chặt chẽ từ biên giới vào nội địa với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi.

Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sau chuyến thị sát tại Móng Cái, có đưa ra nhận xét, từ trước tháng 8/2012, việc ngăn chặn có tác dụng kém. Theo đó, nhập lậu với quy mô lớn tại chợ Hà Vỹ với số lượng 80 tấn/ngày tương đương 26.600 con gà/ngày (3kg/con), tương đương hơn 8 triệu con gà/năm. Đó là chưa kể gà giống không có phép nhập khẩu cũng được nhập với quy mô lớn.

Sau tháng 8, mặc dù giảm đáng kể gà nhập lậu vào Việt Nam, song theo đánh giá của Phó Thủ tướng, cách làm không bền vững, chỉ có thể làm có tính cao điểm một vài tháng, không duy trì được thường xuyên.

Tại Dự thảo Đề án, Bộ Công thương cho biết, việc ngăn chặn gà lậu sẽ được triển khai trong vòng 1 năm. Trong đó, từ ngày 15/12/2012 đến 15/2/2013 mở một đợt cao điểm, sau đó sẽ sơ kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để bổ sung cho các đợt kế tiếp.

Đề án cũng đưa ra yêu cầu phải kiểm soát và ngăn chặn việc nhập lậu ở các tỉnh biên giới, chỉ để lọt không quá 20-30% gà nhập lậu vào nội địa.

Riêng Hà Nội, kiểm soát vận chuyển trên địa bàn 90% vào 30/1/2013 và đến trước 31/3/2013 sẽ kiểm soát được 100% gà nhập lậu.
  
Bích Diệp