Gà thải TQ sang VN là loại gà... cần tiêu hủy

(Dân trí) - Tại Trung Quốc có hẳn thị trường tiêu thụ loại gà này, mức giá chênh trên thị trường bán buôn giữa gà loại thải và gà thường chỉ 1 NDT/kg. Tuy nhiên, gà "tuồn" sang Việt Nam lại chủ yếu là gà không thể dùng, buộc chôn lấp.

Theo báo cáo Bộ Công thương về tình hình sản xuất, kinh doanh gà thải loại tại thị trường Trung Quốc, ở nước này, gà thải loại là loại gà khi nuôi đến một độ tuổi nào đó thì không đạt tiêu chuẩn nữa, bị người chăn nuôi loại ra.

Các loại gà thoải được chia thành gà đẻ, gà thịt, gà trống (thực chất là gà già). Khi sản lượng trứng của gà giảm xuống, chất lượng trứng không đảm bảo, không còn phù hợp để tiếp tục nuôi nữa, thì những loại gà này cũng bị coi là gà thải loại.

Tại thị trường Trung Quốc hiện nay, việc tiêu thụ gà thải loại là hợp pháp và được người dân nước này tiêu dùng bình thường với lượng tiêu thụ là rất lớn trên hầu hết các tỉnh, địa phương của Trung Quốc.

Thậm chí, các kênh thông tin về hàng nông sản của Trung Quốc xếp gà thải loại vào nhóm "trứng gà - gà thịt (có lông) - gà con giống - gà thải loại) và có cập nhật giá cả hàng ngày, ở từng địa phương khác nhau. Nhưng địa phương có lượng cung và tiêu thụ gà nói chung và gà thải loại lớn ở Trung Quốc gồm có Liêu Ninh, Cát Lâm, Hắc Long Giang, Hà Bắc, Hà Nam, Sơn Đông, Giang Tô, Hồ Bắc...

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Do việc tiêu thụ gà thải loại ở Trung Quốc được coi là bình thường nên giá gà thải loại rẻ hơn không nhiều so giá gà thông thường trên thị trường bán buôn, mức chênh chỉ khoảng trên dưới 1 nhân dân tệ/kg (tương ứng 3.400 đồng/kg), còn ở các chợ đầu mối, chênh lệch giá thường dao động từ 5-6 NDT/kg.

"Trên thực tế, nhu cầu tiêu dùng gà thải loại ở thị trường Trung Quốc là rất lớn, đặc biệt sử dụng trong chế biến thực phẩm thông thường, tiêu thụ tại các nhà hàng bình dân, phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng bình dân Trung Quốc" - theo Bộ Công thương.

Bộ Công thương cho rằng, do quy mô sản xuất, nguyên liệu đầu vào, phương thức chăn nuôi, chất lượng gà, thị trường đầu ra, chi phí sản xuất, tâm lý tiêu dùng... tại thị trường Việt Nam và Trung Quốc khác nhau nên dẫn tới sự chênh lệch giá bán giữa gà Việt Nam và gà Trung Quốc là khá lớn.

"Nếu ta không có biện pháp ngăn chặn lượng lớn gà giá rẻ, chất lượng không cao từ Trung Quốc vào Việt Nam có thể sẽ gây thiệt hại cho người chăn nuôi gia cầm Việt Nam, dẫn tới không còn động lực sản xuất".
 
Dự thảo Đề án "Ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển và kinh doanh gia cầm không được phép nhập khẩu" do Bộ Công thương soạn thảo cho biết, hoạt động nhập lậu gà kém chất lượng gây ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến hàng vạn hộ nông dân do các loại gia cầm thải loại ở nước ngoài phải tiêu hủy theo quy định nhưng lại được nhập lậu và nước ta bán với gá rất rẻ, nếu để kéo dài có thể bóp chết ngành kinh tế quan trọng này.

Do vậy, Bộ cho rằng, cần phải tăng cường ngăn chặn triệt để tình trạng buôn lậu gà giá rẻ từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam từ các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đặc biệt là trong những tháng cuối năm, dịp giáp Tết.

Đồng thời, xem xét việc hạn chế tối đa việc nhập khẩu gia cầm sống vào thị trường Việt Nam qua hình thức thương mại biên giới. Việc nhập khẩu gia cầm sống từ Trung Quốc vào Việt Nam cần được kiểm soát chặt chẽ, bao gồm kiểm dịch, yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp nguồn gốc xuất xứ, thông tin về cơ sở chăn nuôi gà nhập khẩu...

Bên cạnh, Bộ nghiên cứu xây dựng và thực hiện những quy định, tiêu chuẩn trong nhập khẩu đối với gia cầm (sống và đông lạnh) nhập khẩu từ nước ngoài.

Cổng thông tin Chính phủ vừa rồi cho biết, tại khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc, lượng gà thải loại phải tiêu hủy, chôn lấp rất lớn. Vì vậy giá gà thải loại ở khu vực biên giới Móng Cái chỉ 10-15.000 đồng/kg, khi về đến các chợ đầu mối tại Hà Nội đã lên tới 50-60.000 đồng/kg.

Theo đó, sự chênh lệch quá lớn nêu trên chính là sức hút không nhỏ để thương lái và người dân đã đưa gà thải loại ồ ạt vào Việt Nam, bất chấp sức khỏe của cộng đồng và các doanh nghiệp chăn nuôi gia cầm trong nước đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, chế tài xử lý, xử phạt đối với những trường hợp vận chuyển gà nhập lậu, không có nguồn gốc còn quá nhẹ. Lực lượng chức năng không thể tạm giữ phương tiện tham gia vận chuyển nên các chủ hàng vẫn lợi dụng kẽ hở pháp luật này để vận chuyển gà lậu trên các tuyến quốc lộ trong nước.

Tại khu vực biên giới ở Móng Cái, các cơ quan chức năng Việt Nam đã xác định được 2 bến chuyển hàng bằng đò và 3 lối mở chuyên sử dụng để vận chuyển gia cầm qua biên giới.

Bích Diệp