8 người chết do ngộ độc rượu Methanol
(Dân trí) - Theo báo cáo từ ngành Y tế, từ đầu năm 2017 đến nay, tức là gần 10 tháng, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 36 bệnh nhân bị ngộ độc Methanol. Trong đó, có 8 bệnh nhân tử vong và 5 trường hợp ngộ độc do sử dụng cồn y tế.
Sau một số sự việc đáng tiếc đã xảy ra, ngay từ đầu năm 2017, Sở Y tế, Sở Công Thương Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và truy tìm rượu methanol. Kết quả đã niêm phong gần 2.000 lít rượu không rõ nguồn gốc và xử phạt 18 cơ sở.
Trong cuộc kiểm tra, đã thanh tra được 225 cơ sở; lấy mẫu xét nghiệm tại labo 25 mẫu (xét nghiệm nhanh tại cơ sở 3 mẫu rượu có 1 mẫu dương tính với methanol); niêm phong 1.970 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiến hành xử phạt 18 cơ sở với số tiền gần 70 triệu đồng.
Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) cũng đưa ra thống kê sơ bộ về tình hình phòng chống, phát hiện và xử lý rượu bản, rượu pha cồn công nghiệp. "Từ ngày 1-15/3, sau khi ra quân kiểm tra, 4 Chi cục QLTT Quảng Ninh, Hải Phòng, Cao Bằng và Hà Nội đã phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về rượu, xử lý trên 200 vụ, tạm giữ hơn 30.000 lít rượu, trên 300 chai rượu và 4,9 kg men ủ rượu", ông Bình cho biết.
Hiện nay, trách nhiệm về quản lý chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm rượu thuộc về hai Bộ Y tế và Công Thương, trong đó lực lượng QLTT có trách nhiệm cấp phép, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, nấu rượu tại các địa phương được phân công.
Tuy nhiên, một thực tế là loại rượu gây chết người tại Lai Châu, Hà Nội là rượu tự nấu hoặc pha chế bằng cồn công nghiệp, không có tem hợp quy, chứng nhận xuất xứ và tiêu chuẩn, quy chuẩn mà vẫn lưu hành trên thị trường. Đây là trách nhiệm thuộc về QLTT của Bộ Công Thương.
Trong thời gian gần đây, lại xuất hiện một số trường hợp bệnh nhân là người tỉnh khác bị ngộ độc liên quan đến việc sử dụng rượu có chưa Methanol, cồn y tế để pha rượu trên đại bàn thành phố Hà Nội.
Trước tình hình trên, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Tổ trưởng Tổ Công tác liên ngành Trung ương về Vệ sinh an toàn thực phẩm đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế thành phố Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng:
“Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp phòng chống ngộ độc do rượu, ngộ độc Methanol. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm đối tượng nghiện rượu tuyệt đối không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, không sử dụng cồn sát trùng để uống, pha chế thành rượu dưới bất kỳ hình thức nào”.
Thế Hưng