Hà Nội: 7 bệnh nhân ngộ độc rượu methanol
(Dân trí) - Sau vụ ngộ độc rượu với 9 người chết tại Lai Châu, ngay thời điểm này, tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) đang cấp cứu, điều trị cho 7 bệnh nhân ngộ độ rượu, trong đó đáng chú ý ca súc miệng bằng cồn và ca chủ ý uống rượu pha cồn công nghiệp.
Theo các bác sĩ, việc ngay tại Hà Nội, trong vài ngày mà có nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol nhập viện là rất đáng báo động.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng chuyển hóa toan nặng (trong máu nhiều axit), mờ mắt, giảm thị lực, hôn mê, tụt huyết áp, có bệnh nhân ngừng tim tại tuyến y tế cơ sở.
Trong số 7 bệnh nhân này, 1 người bị do súc miệng bằng cồn, một ca chủ ý uống rượu pha cồn công nghiệp và 5 ca do uống rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Bệnh nhân Lê Văn T. (sinh năm 1969, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội), nhập viện ngày 27/2 trong tình trạng hôn mê.
Vợ bệnh nhân vô cùng lo lắng khi chồng đang phải lọc máu. Chị cho biết, anh T. làm việc ở Hà Nội 2 tuần về nhà một lần. Thứ Bảy vừa rồi khi về nhà anh T. không có dấu hiệu gì đặc biệt. Nhưng đến sáng chủ nhật, anh kêu đau đầu, mờ mắt đến mức không nhìn thấy gì, không tự đi được dép, ý thức xấu dần đi.
Quá lo lắng, gia đình đưa anh T. vào bệnh viện 105 Sơn Tây. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc rượu methanol, nhanh chóng chuyển xuống Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.
Đúng như chẩn đoán ban đầu, kết quả xét nghiệm methanol trong máu cho thấy hàm lượng methanol lên tới 47,6 mg/dL. “Bình thường, methanol không được phép có trong cơ thể. Ở mức độ nhiễm nhẹ cũng có thể gây các biến chứng. Đến hàm lượng methanol 20 mg/dL là đã rất nguy cơ, phải lọc máu”, BS Nguyên cho biết.
Trong 7 bệnh nhân này, có bệnh nhân hồi phục tốt, có người đang đà hồi phục, có người có thể để lại di chứng sau hôn mê kéo dài (3 ca hiện đang hôn mê), có người ngừng tim trước khi vào viện.
Các bác sĩ cũng bày tỏ bức xúc, đau lòng khi y tế đứng làm mãi, cứu mãi người bệnh nhưng không xuể bởi quá nhiều người ngộ độc methanol. "Ngay mới đây, tại Lai Châu là 9 người chết. Dường như chúng ta đang giải quyết phần ngọn. Vì thế, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn loại rượu độc chết người để lại nhiều di chứng nguy hiểm cho người bệnh này", BS Nguyên nói.
BS Chuyên khoa 2 Đặng Thị Xuân cho biết, từ tết đến giờ, gặp rất nhiều bệnh nhân ngộ độc Methanol, tử vong cũng nhiều. Có ngày 3 - 5 bệnh nhân ngộ độc methanol. Cá biệt, có người hàm lượng methanol trong máu lên đến trên 500 mg/dL, tổn thương não, hoại tử não (nặng hơn cả tai biến mạch máu não), nguy cơ tử vong, tổn thương não do hôn mê kéo dài là rất cao. Đây là lời cảnh báo nguy hiểm đến tất cả mọi người, đặc biệt với người hay không uống rượu không rõ nguồn gốc.
Theo BS Nguyên, vấn đề nói rất nhiều, nhiều năm nhưng vẫn có nhiều bệnh nhân vào viện. Người dân không phân biệt được rượu bằng mắt thường, chỉ biết rượu trắng, không nhãn mác, giá rẻ, bán trôi nổi ngoài thị trường không ai kiểm soát. Một số ít uống cồn y tế vì cho là cồn y tế an toàn dùng cho người và đã có ca tử vong. Điều này cũng đòi hỏi quản lý chất sinh phẩm sát trùng này, cảnh báo người dân rõ ràng.
Hồng Hải