70% nợ xấu đã bán cho VAMC "chôn" trong bất động sản
(Dân trí) - Tính đến cuối tháng 10, VAMC đã mua hơn 11.000 tỷ đồng nợ xấu của 14 ngân hàng. Trong đó, khoảng 70% khoản nợ đã mua thuộc lĩnh vực bất động sản. Tuần tới, VAMC sẽ xem xét mua thêm nợ của 5 tổ chức.
Sau một tháng triển khai mua nợ xấu, tính đến cuối tháng 10, Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu của 14 ngân hàng với giá trị 11.000 tỷ đồng. Trên thực tế, giá trị gốc tính theo sổ sách của các khoản nợ này là 13.000 tỷ đồng.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Tuy nhiên, trước mắt , VAMC sẽ tập trung mua các khoản đáp ứng đủ các tiêu chuẩn. Và trong tuần sau, VAMC tiếp tục xem xét mua thêm nợ của 5 tổ chức tín dụng.
Như vậy, với các khoản nợ xấu của 14 ngân hàng vừa bán cho VAMC, 11.000 tỷ đồng đã tạm thời được loại ra khỏi bảng cân đối tài sản của các ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng nhận lại từ VAMC trái phiếu đặc biệt để được tái cấp vốn tối đa 70% giá trị.
Giải trình với Quốc hội về vấn đề nợ xấu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết: Trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm, đã xử lý được khoảng 100.000 tỷ đồng nợ xấu, chiếm hơn 3% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, trong việc xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng xác định trước tiên phải phát huy nội lực của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, việc mua bán nợ của VAMC không dùng tiền ngân sách.
Vị tổng tư lệnh ngành cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, ngành sản xuất để có giải pháp tháo gỡ. Trong tháng 11 này sẽ phối hợp Bộ Xây dựng và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng để có được sản phẩm liên kết 4 nhà, đảm bảo việc mua sắm vật liệu xây dựng thông thoáng hơn, góp phần giải quyết tồn kho, ứ đọng vật liệu xây dựng.
Đề cập tới khoản 100.000 tỷ đồng nợ xấu đã được “xử lý”, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay: Đến thời điểm này vẫn chưa có ngân hàng nào sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay vốn tái cấp vốn từ Ngân hàng Nhà nước. Lý do chung được ông Tú nhìn nhận ở thanh khoản hệ thống tốt và các ngân hàng đang “rủng rỉnh” vốn.