1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

66 tàu chở than của Australia "mắc cạn" ngoài khơi Trung Quốc

Hương Vũ

(Dân trí) - Các tàu chở than với trị giá hàng hóa lên tới 500 triệu USD của Australia hiện đang bị "mắc kẹt "ngoài khơi các cảng Trung Quốc đã nhiều ngày, thậm chí hàng tuần do căng thẳng giữa hai nước còn cao.

66 tàu chở than của Australia mắc cạn ngoài khơi Trung Quốc - 1

66 tàu chở than từ Australia phải chờ ngoài khơi các cảng Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, hiện có tổng cộng 66 tàu chở than của Australia đang "mắc kẹt" trong vùng biển Trung Quốc, phần lớn là ở ngoài khơi bờ biển phía Đông Bắc gần với các cảng Jingtang và Caofeidian.

Theo số liệu do Kpler - một công ty dữ liệu công bố, đã có khoảng 5,7 triệu tấn than cùng với 1.000 thuyền viên đang "kẹt" ngoài khơi các cảng biển Trung Quốc. Hầu hết các tàu này đều là tàu vận chuyển cỡ lớn, với trọng tải từ 55.000 - 150.000 tấn.

Theo Kpler, nguyên nhân lý giải cho hiện tượng trên là do những quy định hạn chế của chính phủ Trung Quốc đối với các tàu hàng Australia.

Theo đó, tất cả các tàu chở than của Australia phải đợi từ khoảng ba đến năm ngày mới có thể cập cảng Trung Quốc.

Tuy nhiên, trên thực tế, đã có 53 trong số 66 tàu đang "mắc kẹt" đã phải chờ khoảng từ bốn tuần hoặc lâu hơn do vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ hải quan Trung Quốc để dỡ hàng.

Hơn 4,1 triệu tấn than luyện kim trên 39 con tàu đang mắc kẹt. Ngoài ra, 9 tàu đang chở khoảng 1,1 triệu tấn than nhiệt. Theo ước tính sơ bộ, tổng giá trị của các lô than này vào khoảng 519 triệu USD.

66 tàu chở than của Australia mắc cạn ngoài khơi Trung Quốc - 2
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Ảnh: Getty

Tình trạng ùn tắc trên là ảnh hưởng từ việc Trung Quốc bổ sung thêm hàng loạt các sản phẩm, hàng hóa của Australia vào danh sách đen, làm gia tăng căng thẳng giữa quan hệ hai nước.

Trong 7 tháng mâu thuẫn, Trung Quốc đã áp đặt một loạt thuế và lệnh cấm vận - một số không chính thức - lên hàng hóa của Australia, từ lúa mạch, thịt bò, bông, đến rượu, than và gỗ.

Kể từ năm 2018 khi tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei Technologies bị đình chỉ xây dựng mạng 5G của Australia, quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra đã giảm sút trầm trọng và chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Vào tháng trước, các nhà máy điện và nhà máy thép của Trung Quốc được thông báo ngừng sử dụng than của Australia, gây nên tình trạng các tàu vận chuyển than với giá trị khổng lồ đang mắc kẹt ngoài khơi.