1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

5,1 tỷ USD kiều hối chảy về TPHCM sau 9 tháng

Việt Đức

(Dân trí) - Lượng kiều hối được người Việt ở nước ngoài chuyển về TPHCM trong 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ bên lề sự kiện Hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp tại TPHCM tổ chức sáng 20/10, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, cho biết vừa rà soát, thống kê lượng kiều hối về TPHCM trong 9 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ năm 2020 khoảng 22%, đạt 5,1 tỷ USD. Ông Minh cho rằng đây là "con số ấn tượng". 

Cơ quan quản lý cũng đưa ra dự báo kiều hối đổ về TPHCM trong cả năm nay nhiều khả năng sẽ vượt mức 6 tỷ USD. Trong đó, lượng kiều hối từ Mỹ, Australia, Canada, châu Âu vẫn chiếm tỷ trọng lớn như truyền thống. 

Ông Minh cho rằng, người Việt ở nước ngoài 2 năm qua khó khăn trong việc đi du lịch, về nước nên nguồn tích lũy có thể cao hơn trước. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh thời gian qua tạo ra nhiều khó khăn với xã hội, người Việt ở các nước gửi tiền về để hỗ trợ người thân ở quê nhà, đồng thời một phần cũng có thể hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. 

5,1 tỷ USD kiều hối chảy về TPHCM sau 9 tháng  - 1

Các thị trường có lượng kiều hối gửi về nước vẫn là Mỹ, Canada, Australia, châu Âu (Ảnh: Bloomberg).

Liên quan đến hoạt động của ngành ngân hàng tại TPHCM, ông Minh cho biết có 4 nhiệm vụ trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong những tháng cuối năm. Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai tốt Thông tư 14 của về hỗ trợ các nhóm đối tượng bị thiệt hại do dịch Covid-19 được cơ cấu nợ, không phải chuyển nhóm nợ, miễn, giảm lãi tiền vay. 

Theo ông Minh, cơ quan quản lý sẽ giám sát, bắt buộc các tổ chức tín dụng phải thực hiện tốt Thông tư 14, triển khai một cách hiệu quả. Những đơn vị không thực hiện tốt sẽ chịu chế tài như bị hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng, mở rộng mạng lưới. 

Đồng thời, ngành ngân hàng tiếp tục giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại. Vừa qua, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất bình quân 1%/năm trên dư nợ hiện hữu của khách hàng. Tùy thuộc vào từng doanh nghiệp, mức giảm thực tế có thể cao hơn hay thấp hơn con số trên.

Kế đó, cơ quan quản lý tiếp tục kết nối doanh nghiệp, ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi nhất. Trong bối cảnh nhiều khách hàng vay vốn hiện rất khó khăn về tài sản thế chấp, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cũng đã trao đổi với các tổ chức tín dụng có thể xem xét hỗ trợ giải ngân cho doanh nghiệp thông qua biện pháp quản lý dòng tiền kinh doanh.

Sau 9 tháng, tăng trưởng tín dụng tại TPHCM đạt 6,4% trong khi mục tiêu cho cả năm nay là 12%, nếu cần có thể sẽ nới thêm. Như vậy, trong 3 tháng cuối năm, tín dụng còn có thể tăng trưởng hơn 5%, đảm bảo không thiếu vốn cho doanh nghiệp tiếp cận. Tuy nhiên, ông Minh thừa nhận nhiều doanh nghiệp gặp thách thức khi tái sản xuất, kinh doanh để hấp thụ vốn nên ngành ngân hàng sẽ phải ngồi lại cùng các sở, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn. 

Cuối cùng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM yêu cầu các tổ chức tín dụng phi ngân hàng như công ty tài chính nghiên cứu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp vay vốn với lãi suất hợp lý. Theo ông Minh, lãi suất vay tiêu dùng hiện nay còn khá cao. Nếu các công ty tài chính đưa mức lãi suất hợp lý, nhiều nhóm đối tượng không thể tiếp cận tín dụng của ngân hàng có thể vay từ các công ty tài chính để xoay xở cho cuộc sống. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm