1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thừa Thiên - Huế:

5 năm cổ phần hoá, Infoco đều thua lỗ

(Dân trí) - Không chỉ khởi kiện Infoco vì phát hành 5 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi sai luật, Công ty CP Bibica và Công ty TNHH Thương mại Thành Hưng còn “tố” nhiều sai phạm khác của Infoco tới các cơ quan chức năng.

5 năm cổ phần hoá, Infoco đều thua lỗ - 1
Giao diện website của Công ty Infoco (ảnh: Vũ Văn Tiến).

Năm 2000, Infoco có vốn điều lệ 10 tỷ đồng, sở hữu một dây chuyền sản xuất tiên tiến vào loại bậc nhất cả nước, với tổng trị giá đầu tư 3 triệu USD.

Đây là dây chuyền sản xuất bánh Custard Cakes được chế tạo, lắp đặt, chuyển giao công nghệ bởi Tập đoàn Sasib của Đan Mạch (nay là Hãng Meincke).

Cùng với nhiều điều kiện thuận lợi khác như chủ động về nguyên vật liệu, chi phí nhân công thấp… nhưng rốt cuộc Infoco cổ phần hóa được 5 năm (từ năm 2005, trước đó đã thua lỗ từ năm 2001) thì cả 5 năm đều thua lỗ.

Theo ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Bibica, Công ty này đã tham gia đầu tư vào Infoco (hiện nắm giữ 27,61% vốn) với mục đích là vực doanh nghiệp này lên, đồng thời mong muốn Infoco hỗ trợ Bibica trong việc sản xuất các sản phẩm bánh kẹo tại khu vực miền Trung. Tuy nhiên, tất cả những đề xuất, kiến nghị về nguồn lực, về điều kiện, môi trường sản xuất của Bibica đều bị Infoco bác bỏ.

Không chỉ Công ty Bibica bị “ghẻ, lạnh” như vậy, mà ngay đến Công ty Thành Hưng là một cổ đông đầy tâm huyết muốn trở thành nhà phân phối độc quyền các sản phẩm của Infoco tại miền Bắc cũng bị lãng quên.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thành Hưng cho biết, Infoco là doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần lớn thông qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng nhiều năm nay liên tục làm ăn thua lỗ (hiện đã lỗ gần 50% vốn điều lệ).

Nếu Infoco hạch toán đúng theo Quyết định số 206/2003 của Bộ Tài chính về định mức khấu hao hàng năm (theo quy định thì máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm chỉ được phép khấu hao trong 12 năm, nhưng Infoco đã khấu hao lên tới... 25 năm!) thì thực chất Infoco có thể đã lỗ trên 100% vốn điều lệ và đã phải tuyên bố phá sản từ vài năm nay.

Trước thực tế trên, hai cổ đông lớn là Bibica và Thành Hưng đã nhiều lần họp cùng đại diện SCIC để tìm phương hướng vực dậy Infoco trước khi DN này đi đến bờ vực phá sản, nhưng cuối cùng nhận được vẫn là sự thờ ơ.

Tại biên bản cuộc họp ngày 20/10/2009 giữa Bibica và Thành Hưng gửi SCIC có chỉ ra những sai phạm và những mặt hạn chế trong phương thức quản trị điều hành tại Infoco.

Biên bản có nêu, Infoco đang quản lý DN theo kiểu “gia đình chủ nghĩa”, lạm dụng sự ủy quyền đại diện vốn nhà nước của SCIC để thâu tóm DN (hiện nay, đại diện vốn của SCIC tại Infoco là ông Nguyễn Luyến, Chủ tịch HĐQT và bà Nguyễn Thị Huệ, Phó chủ tịch HĐQT). Infoco đã coi thường các cổ đông lớn khác, không cầu thị tiếp nhận ý kiến đóng góp của các cổ đông trong việc quản trị DN, dẫn đến DN làm ăn yếu kém, thua lỗ.

Trong quá trình hoạt động, Infoco đã cố ý làm sai các quy định của Nhà nước như thực hiện hạch toán trích khấu hao tài sản cố định sai với nguyên tắc, dẫn đến sai lệch cơ bản kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, làm thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước và của các cổ đông khác…

Trước nguy cơ vốn và tài sản Nhà nước tiếp tục bị thất thoát, Công ty Bibica và Thành Hưng đề nghị SCIC khẩn trương tiến hành các thủ tục thoái vốn Nhà nước ra khỏi Infoco nhằm bảo toàn phần vốn còn lại của Nhà nước trước thực trạng nguy cấp như trên tại Infoco.

Vũ Văn Tiến