1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

40% dân số Trung Quốc “sống sót” qua đại dịch Covid-19 với 141 USD/tháng

(Dân trí) - Theo thống kê, có đến 40% dân số Trung Quốc đạt mức thu nhập chỉ khoảng 1.000 Nhân dân tệ (141 USD) mỗi tháng vào năm 2019.

Dữ liệu thống kê trên được trích dẫn trong một bản khảo sát về thu nhập bình quân trong năm ngoái của Trung Quốc. Theo SCMP, dù thống kê trên chưa được công bố nhưng chính Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trong Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc vào tháng 5 vừa qua đã xác nhận dữ liệu trên là chính xác.

40% dân số Trung Quốc “sống sót” qua đại dịch Covid-19 với 141 USD/tháng - 1

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường được cho là đã “buột miệng” khi xác nhận về thống kê trên. Ảnh: SCMP

“Số tiền này chỉ đủ để trả tiền thuê nhà hàng tháng tại một thành phố tầm trung ở Trung Quốc”, ông Lý nhấn mạnh.

Những tuyên bố của Thủ tướng Lý Khắc Cường càng làm gia tăng thêm lập luận về việc Trung Quốc thực chất là quốc gia tương đối nghèo, vì hơn 40% trong số 1,4 tỷ dân hiện đang sống với thu nhập hàng ngày chưa đến 5 USD.

Cụ thể, trong năm 2019 vừa qua, 40% các hộ gia đình - tương đương với khoảng 600 triệu người trong tổng số 1,4 tỷ dân cư của Trung Quốc có mức thu nhập bình quân đầu người là 11.485 Nhân dân tệ (khoảng 1.621 USD). Tính ra, trong một tháng, mỗi người dân Trung Quốc sẽ kiếm được chỉ khoảng 957 tệ.

Hai năm trước - năm 2018 con số này dừng lại ở 866 Nhân dân tệ.

Chênh lệch thu nhập tại “siêu cường” kinh tế Trung Quốc

Chênh lệch thu nhập giữa cư dân nông thôn và thành thị càng làm cho bức tranh kinh tế Trung Quốc thêm phức tạp.

“Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển lớn mạnh nhất trên thế giới. Mức thu nhập của một số lượng lớn cư dân ở khu vực nông thôn và khu vực miền trung và miền tây nước này vẫn còn thấp. Nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo và khôi phục lại các vùng nông thôn còn tồn tại rất nhiều khó khăn”, Cục thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) nhận định.

Dữ liệu mới được thu thập cũng làm sáng tỏ mức độ bất bình đẳng trong thu nhập tại Trung Quốc, có thể mở rộng hơn nữa sau sự bùng phát của virus corona khi dịch tấn công các nhóm thu nhập thấp bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân và người lao động nhập cư đặc biệt khó khăn.

Trong khi Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất thế giới khi xét về khía cạnh công nghiệp và nhập khẩu, thì tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người của nước này vẫn bị tụt lại rất xa so với các nước phát triển khi phân phối thu nhập nghiêng về phía nhà nước, dẫn đến tình trạng thường được gọi là “nhà nước giàu, người dân nghèo”.

Mức lương thấp ở vùng nông thôn, khu vực chiếm khoảng 40% dân số Trung Quốc, đang cản trở những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc chuyển đổi trọng tâm mô hình kinh tế quốc gia sang nhu cầu tiêu dùng trong nước, ít phụ thuộc vào thị trường quốc tế.

Hệ số Gini - thước đo bất bình đẳng giàu nghèo trong nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng mạnh lên 0,4670 từ năm 2017, phản ánh bất bình đẳng thu nhập nghiêm trọng. Trong hai năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã ngừng công bố hệ số này.

Hương Vũ

Theo SCMP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm