1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Trung Quốc - Phép thử “tồi tệ” cho tương lai hồi phục của kinh tế toàn cầu

(Dân trí) - Sự phục hồi “mỏng manh” của nền kinh tế Trung Quốc đang kéo theo nhiều nghi vấn về triển vọng tương lai của nền kinh tế toàn cầu hậu đại dịch Covid-19.

Trung Quốc - Phép thử “tồi tệ” cho tương lai hồi phục của kinh tế toàn cầu - 1
Các nhà máy công nghiệp ở Trung Quốc liên tục hoạt động, cố gắng trở về trạng thái ban đầu giống với trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: SCMP

Kinh nghiệm của Trung Quốc đến nay cho thấy, dù đã kiềm chế được đại dịch, song tiêu dùng và đầu tư vẫn chưa thể nhanh chóng trở lại bình thường.

Hàng loạt số liệu thống kê quan trọng gần đây cho thấy, sản lượng nhà máy, tiêu dùng và đầu tư của Trung Quốc tiếp tục cải thiện trong tháng 5. Tuy nhiên, rất ít dấu hiệu chỉ ra có quy mô hồi phục đủ lớn để nền kinh tế bật lại theo hình chữ V.

Vì vậy, giới phân tích đang lo ngại cho triển vọng kinh tế toàn cầu.

Nỗi lo ngại được đặt ra ở đây chính là nếu Trung Quốc – một quốc gia đã thành công trong việc kiềm chế đại dịch – lại không thể kéo niềm tin lên cao và đưa hoạt động kinh tế nhanh chóng quay về bình thường, thì nước nào mới có thể thực hiện được đây?

“Kinh nghiệm của Trung Quốc cho đến thời điểm hiện nay đã chứng tỏ rằn con đường phục hồi của kinh tế toàn cầu sẽ gặp rất nhiều trở ngại”, Shaun Roache - kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings cho biết. Ông nhận định niềm tin tiêu dùng và đầu tư tại Trung Quốc còn thấp: “Chúng tôi vẫn dự báo Trung Quốc hồi phục nửa cuối năm, nhưng nhu cầu sẽ không tăng vọt”.

Điểm sáng mới nhất của nền Trung Quốc chính là giá nhà mới tháng 5 đã tăng với tốc độ nhanh nhất 7 tháng, nhờ các lệnh phong tỏa được nới lỏng.

Cùng với đó, sản lượng công nghiệp tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ giảm 2,8% - cải thiện đáng kể so với mức giảm 7,5% tháng 4. Đầu tư vào tài sản cố định giảm 6,3% trong 5 tháng đầu năm. Sản lượng thép cũng tăng vọt.

Trung Quốc - Phép thử “tồi tệ” cho tương lai hồi phục của kinh tế toàn cầu - 2
Hơn 240.000 công ty Trung Quốc tuyên bố phá sản trong vòng hai tháng đầu năm 2020. Ảnh: Asianews

Tuy nhiên, sự ảm đạm trong đầu tư tư nhân và tiêu dùng tại Trung Quốc cho thấy điều kiện trong nước còn yếu và nhu cầu quốc tế vẫn chưa quay lại. “Thiếu nhu cầu là vấn đề chính với kinh tế Trung Quốc hiện tại”, Shen Jianguang - chuyên gia kinh tế tại hãng bán lẻ trực tuyến JD.com cho biết.

Các nhà hoạch định chính sách tại Trung Quốc vẫn đang tung ra các gói hỗ trợ một cách thận trọng. Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vào hôm 14/6 đã tung ra thêm gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD) cho các ngân hàng.

“Khảo sát chính thức tại Trung Quốc cho thấy, các doanh nghiệp lớn của nước này vẫn chưa khôi phục được 100% công suất, dù cho lệnh giãn cách xã hội đã được gỡ bỏ 4 tháng. Thách thức dành cho các công ty nhỏ còn lớn hơn. Khó khăn chủ yếu đến từ nhu cầu. Cả nhu cầu trong và ngoài nước đều đang yếu", Chang Shu – chuyên gia trưởng về kinh tế khu vực châu Á tại Bloomberg nhận xét.

Số liệu mới nhất về Trung Quốc được công bố trong bối cảnh giới phân tích còn chia rẽ về mô hình phục hồi kinh tế toàn cầu.

Vào cuối tuần trước, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow chia sẻ trên CNN rằng “khả năng cao” nền kinh tế nước Mỹ sẽ hồi phục theo hình chữ V. Nhưng chỉ trước đó vài ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell còn cảnh báo việc phục hồi sẽ mất nhiều thời gian.

Các nhà kinh tế tại Morgan Stanley thì cho biết kinh tế toàn cầu đang trong chu kỳ tăng trưởng mới và GDP sẽ hồi phục về mức tiền đại dịch vào quý IV. Họ dự báo thế giới suy thoái “sâu nhưng ngắn hạn”.

“Chúng tôi có niềm tin vào đà phục hồi hình chữ V, dựa trên các số liệu tăng trưởng đáng ngạc nhiên và hành động chính sách gần đây”, báo cáo triển vọng giữa năm của hãng này cho biết.

Các nhà kinh tế học tại JPMorgan Chase & Co nhấn mạnh rủi ro khối nợ và thâm hụt ngân sách tăng vọt, buộc các chính phủ giảm quy mô kích thích tài khóa. “Bước ngoặt này, cùng việc các ngân hàng trung ương có động thái hạn chế, là yếu tố quan trọng khiến chúng tôi dự báo đà phục hồi không hoàn chỉnh trong suốt năm 2021”, báo cáo cho biết.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần trước lại cảnh báo kinh tế toàn cầu đang hồi phục chậm hơn dự kiến và vẫn còn “bất ổn lớn” về triển vọng. OECD thì dự báo, GDP thế giới giảm 6% năm nay, nếu đại dịch được kiềm chế.

Quá trình này phụ thuộc phần lớn vào diễn biến đại dịch. Giới chức Trung Quốc đang chạy đua kiểm soát ổ dịch mới ở Bắc Kinh. Gần 100 người đã nhiễm bệnh chỉ trong vài ngày cuối tuần trước.

“Số liệu tháng 5 cho thấy, có cải thiện, dù tốc độ không mạnh như kỳ vọng”, Helen Qiao - kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại Bank of America cho biết, “Đại dịch tái bùng phát tại Bắc Kinh cho thấy rủi ro rằng các hoạt động kinh tế vẫn có thể chịu tác động một lần nữa”.

Hương Vũ

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm