380 tỷ "kẹt" trong vụ Huyền Như: Chứng khoán Phương Đông kháng cáo

(Dân trí) - Số tiền này ORS nhận từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán. Số tiền này đã được Tòa án sơ thẩm xác định trách nhiệm bồi hoàn của Huỳnh Thị Huyền Như theo Bản án số 46 ngày 27/1/2014.

380 tỷ kẹt trong vụ Huyền Như: Chứng khoán Phương Đông kháng cáo
Cùng với việc gặp rắc rối trong vụ Huyền Như, 2013 là năm thất bại đối với ORS khi công ty này ghi nhận lỗ tới 117 tỷ đồng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

 


Tại Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2013 đã được soát xét của CTCP Chứng khoán Phương Đông (ORS), đơn vị kiểm toán không đưa ra ngoại trừ nhưng đã nhấn mạnh đến 380 tỷ đồng là tiền gửi của công ty này tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã bị tạm ngưng giao dịch.

 

Theo đó, số tiền này ORS nhận từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) để thực hiện các hợp đồng môi giới mua chứng khoán. Hiện tại, số tiền này đã được Tòa án sơ thẩm thành phố Hồ Chí Minh xác định trách nhiệm bồi hoàn của Huỳnh Thị Huyền Như theo Bản án số 46 ngày 27/1/2014.

 

Tuy nhiên, ORS đã nộp hồ sơ kháng cao lên tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân tối cao để xét lại trách nhiệm bồi hoàn đối với số tiền nêu trên. Do vậy, ORS vẫn chưa tiến hành trích lập dự phòng cho khoản tiền này.

 

Trong văn bản giải trình của ORS lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai Sở GDCK, công ty cho biết thêm rằng, số tiền 380 tỷ đồng gửi tại VietinBank là do TPBank "chỉ định" ORS mang đi gửi tại VietinBank chi nhánh TP.HCM.

 

Công ty cho biết, không thực hiện hạch toán khoản lãi phải trả cho TPBank tương ứng khoản nợ phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán đồng thời cũng không hạch toán khoản thu lãi tiền gửi có kỳ hạn tương ứng các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn tại VietinBank.

 

"Về bản chất chúng tôi chỉ làm trung gian môi giới cho TPBank và hưởng phí hoa hồng. Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ môi giới, chúng tôi chỉ tạm tính khoản lãi phải trả cho TPBank và lãi được nhận từ VietinBank vào tài khoản trung gian, sau khi hoàn thành nghiệp vụ môi giới ORS sẽ được hưởng khoản phí này như quy định của TPBank và hạch toán doanh thu. Do đó việc ghi nhận lãi cho khoản phải trả này không ảnh hưởng đến lợi nhuận của Công ty chúng tôi" - ORS khẳng định.

 

Theo Báo cáo tài chính ORS, tính đến 31/12/2013, công ty có tổng cộng 428 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó tiền gửi của công ty là 414,7 tỷ đồng là tiền gửi của công ty và 13,3 tỷ đồng là tiền gửi ký quỹ của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán. Khoản 380 tỷ nằm trong 414,7 tỷ đồng. Hiện tại ORS vẫn đang ghi nhận 380 tỷ đồng này vào "phải trả tổ chức, các nhân khác" trong hạng mục Phải trả hoạt động giao dịch chứng khoán.

 

ORS khép lại năm 2013 với kết quả doanh thu đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 55% so với kết quả năm trước, trong đó, chỉ có doanh thu lưu ký chứng khoán tăng từ 204 triệu đồng lên 462,4 tỷ đồng, còn lại doanh thu từ hoạt động môi giới; đầu tư chứng khoán, góp vốn; phát hành chứng khoán; tư vấn đều giảm mạnh. Đóng góp nhiều nhất cho doanh thu chung là doanh thu khác, đạt 3,8 tỷ đồng nhưng khoản này cũng đã giảm chỉ bằng 1/4 so với 2012.

 

Trong khi đó, chi phí hoạt động lại "đội" lên tới 47,1 tỷ đồng, qua đó khiến lợi nhuận gộp bị âm 37,9 tỷ dồng. Công ty lỗ sau thuế 117 tỷ đồng trong năm 2013 (năm 2012 có lãi 366,5 triệu đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) âm 4.875 đồng/cp.

 

Với tình trạng này, cổ phiếu ORS đã bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 4/4/2014. Trong văn bản giải trình, công ty cho biết, do giai đoạn 2008-2011, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nói chung cũng như sự đi xuống của thị trường chứng khoán nói riêng làm cho giá trị danh mục tài sản mà công ty đang nắm giữ bị giảm giá trị.

 

Năm 2013, ORS tiến hành lập trích lập dự phòng toàn bộ chứng khoán giảm giá và các khoản phải thu khó đòi theo quy định, khiến khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2013 là số âm.

 

Công ty cũng cho biết, để khắc phục đã tiếp tục hoàn thiện toàn bộ hoạt động kinh doanh và bộ máy nhân sự gọn nhẹ đạt hiệu quả. Quý I công ty có lãi.

 

Năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2013 là năm tài chính thứ 7 của ORS. Lúc này, công ty chỉ còn 30 nhân sự, giảm tới 21 người so với thời điểm 31/12/2012 (51 người).

 

Mai Chi
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước