30 phi công nước ngoài tại Bamboo Airways xin nghỉ, hãng nói gì?
(Dân trí) - Theo Reuters, có khoảng 30 phi công nước ngoài của Bamboo Airways đã rời hãng hàng không này trong 2 tháng qua do chậm trả lương hoặc bị sa thải. Phía hãng nói tái cơ cấu đội tàu bay từ tháng 10.
Theo nguồn tin độc quyền từ Reuters, một số phi công của Bamboo Airways đã nghỉ việc ở hãng bay này trong suốt 2 tháng qua do tình hình chậm trả lương. Nguồn tin cho biết đã có khoảng 30 phi công nước ngoài xin nghỉ, chiếm hơn 10% tổng số phi công của hãng bay này trong tháng 6.
Bamboo Airways đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ, trong đó bao gồm mạng lưới đường bay, đội bay và nguồn nhân lực. Hãng cũng cắt giảm một số nhân sự là phi công, đồng thời phủ nhận thông tin chậm trả lương.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên tại Bamboo Airways đang đối mặt với tình trạng chậm trả lương, thậm chí còn ảnh hưởng đến các phi công nước ngoài chiếm phần lớn trong đội ngũ phi công của hãng.
Theo nguồn tin mà Reuters có được, đại diện của công ty thông qua tin nhắn đã tuyên bố với các phi công nước ngoài rằng họ sẽ nhận 35% lương vào ngày 21/8, khi đã quá hạn trả 1 tuần. Phần còn lại sẽ được thanh toán khi có thêm những thông tin khác.
Bamboo cũng cho biết rằng họ đang hoạt động ổn định và đang có kế hoạch huy động vốn từ cổ đông chiến lược. Hãng cho biết một trong những chủ nợ lớn nhất của họ là Sacombank đã bày tỏ sự tin tưởng vào triển vọng dài hạn và mong muốn tăng cường đầu tư vào hãng hàng không này.
Trước đó, hãng đã có kế hoạch niêm yết tại Mỹ vào năm 2021. Tuy nhiên, Bamboo Airways đang phải vật lộn với những thay đổi nhanh chóng trong bộ máy lãnh đạo và tái cấu trúc mạnh mẽ kể từ khi cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị bắt vào tháng 3 năm ngoái vì cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán.
Bamboo Airways đang bay cả chặng quốc tế và nội địa và chiếm khoảng 17% thị phần tại Việt Nam. Theo số liệu được công bố năm 2022, hãng hàng không này lỗ ròng 722 triệu USD.
Bamboo Airways: Hãng tái cơ cấu đội tàu bay từ tháng 10
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện Bamboo Airways cho biết từ tháng 10, hãng sẽ tiến hành tái cơ cấu đội tàu bay theo hướng gia tăng hiệu quả khai thác và tối ưu hóa chi phí, tiến tới mục tiêu tăng cường sự đồng nhất về các chủng loại tàu bay trong dài hạn.
"Đây là hoạt động nối tiếp, phục vụ tương ứng mạng đường bay và tần suất khai thác mới đã được hoàn thiện điều chỉnh trước đó. Quá trình tái cấu trúc tổng thể hướng tới ổn định hóa hoạt động và mang lại cơ hội để Bamboo Airways tăng trưởng lớn mạnh hơn nữa trong tương lai", phía hãng thông tin.
Đại diện hãng cũng cho rằng việc tái cơ cấu là nhiệm vụ chính đáng và cấp thiết sau 5 năm hoạt động, khi thị trường đã có những sự thay đổi về căn bản, cùng với đó là hãng thu hút thành công nhiều nhà đầu tư mới đồng hành.
Để thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, Bamboo Airways đã thảo luận, đàm phán chi tiết với các đơn vị cung cấp tàu bay liên quan, và đạt thống nhất cao trong việc điều chỉnh tạm thời thỏa thuận hợp tác. Hãng cho biết các đối tác, nhà cho thuê tàu bay cũng tiếp tục hỗ trợ tối đa.
"Những sự điều chỉnh tạm thời kể trên là một phần trong tiến trình tái cơ cấu trên phương diện tổng thể của Bamboo Airways. Các nguồn lực bao gồm mạng đường bay, đội tàu bay, nguồn nhân lực… sẽ được tái điều phối phù hợp hơn với các mục tiêu phát triển giai đoạn mới và yêu cầu của nhà đầu tư", Bamboo Airways cho biết.
Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn để Bamboo Airways tiếp tục hoạt động. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề như chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay và khó khăn về vốn...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo của Bamboo để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này; báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 15/9.
Trong đó, vai trò của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của Bamboo Airways để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.
Bộ Tài chính liên quan đến khó khăn của hãng trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan Nhà nước liên quan…).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan khó khăn của hãng trong việc thẩm định cho phép tăng quy mô đội máy bay lên trên 30 chiếc. Bamboo cho rằng quá trình thẩm định này bị kéo dài, làm chậm đà phục hồi và phát triển cũng như mất cơ hội kinh doanh của hãng.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện; báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 15/9.
Năm 2022, Bamboo Airways lỗ 17.600 tỷ đồng vì trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khoản lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của hãng bay là 18.844 tỷ đồng, tăng trên 8.770 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.342 tỷ đồng.