1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một ngân hàng muốn đầu tư vào Bamboo Airways

Văn Hưng

(Dân trí) - Theo ông Phan Đình Tuệ, Sacombank thực sự quan tâm đến quá trình tái cấu trúc của Bamboo Airways và đang xúc tiến các thủ tục để đầu tư vào hãng bay này.

Tại phiên đại hội cổ đông bất thường lần 3 diễn ra sáng 15/9, ông Phan Đình Tuệ, Thành viên HĐQT Bamboo Airways, tiết lộ Sacombank đang quan tâm đầu tư vào Bamboo Airways.

Cụ thể, ông Tuệ cho biết với tư cách là đơn vị cấp tín dụng và tài trợ lớn và Bamboo Airways, Sacombank rất quan tâm đến quá trình tái cấu trúc và kỳ vọng vào sự phát triển ổn định của hãng bay.

Sacombank đã có chủ trương đầu tư vào Bamboo Airways, tuy nhiên do là một định chế tài chính, cấp tín dụng nên việc đầu tư ngoài ngành cần tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật. Ngân hàng này đang làm các bước trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để tham gia đầu tư vào Bamboo Airways.

Theo báo cáo của SSI Research, tính đến hết quý II, Bamboo Airways đang có khoản nợ hơn 3.000 tỷ đồng tại Sacombank, chiếm 0,7% tổng tín dụng.

Một ngân hàng muốn đầu tư vào Bamboo Airways - 1

Lần thứ 3 Bamboo Airways tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường trong năm nay (Ảnh: Bamboo Airways).

Cũng tại phiên họp sáng nay, đại hội đồng cổ đông đã thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm ông Oshima Hideki, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Trần Hòa Bình. Hãng bay này cũng bầu bổ sung một thành viên là bà Lê Thị Trúc Quỳnh, cựu Phó tổng giám đốc Tập đoàn FLC, tham gia vào HĐQT. 

Hiện tại, HĐQT Bamboo Airways có 5 thành viên gồm ông Lê Thái Sâm, ông Lê Bá Nguyên, ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Phan Đình Tuệ và bà Lê Thị Trúc Quỳnh.

Bamboo Airways cũng bầu thành viên Ban Kiểm soát mới gồm bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa.

Trước đó, Thủ tướng đã có chỉ đạo yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn để Bamboo Airways tiếp tục hoạt động. Trong đó, đặc biệt lưu ý các vấn đề như chuyển nhượng cổ phần cho nhóm nhà đầu tư mới, tăng quy mô đội tàu bay và khó khăn về vốn...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu báo cáo của Bamboo để xem xét, hỗ trợ, xử lý theo thẩm quyền và quy định pháp luật nhằm phát triển hãng hàng không này; báo cáo Thủ tướng về kết quả xử lý trước ngày 15/9.

Trong đó, vai trò của Bộ Giao thông Vận tải liên quan đến việc duy trì điều kiện hoạt động của Bamboo Airways để bảo đảm an ninh, an toàn hàng không.

Bộ Tài chính liên quan đến khó khăn của hãng trong việc chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư mới kéo dài do phải phối hợp giải quyết với nhiều bên liên quan (nhà đầu tư cũ, ngân hàng, các cơ quan Nhà nước liên quan…).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan khó khăn của hãng trong việc thẩm định cho phép tăng quy mô đội máy bay lên trên 30 chiếc. Bamboo cho rằng quá trình thẩm định này bị kéo dài, làm chậm đà phục hồi và phát triển cũng như mất cơ hội kinh doanh của hãng. 

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước làm việc với Bamboo Airways để tháo gỡ khó khăn về vốn và tham gia cổ phần của các ngân hàng có đủ điều kiện; báo cáo Thủ tướng kết quả xử lý trước ngày 15/9.

Năm 2022, Bamboo Airways lỗ 17.600 tỷ đồng vì trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng đầu tư vào công ty liên kết lên đến hơn 13.200 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khoản lỗ lũy kế 19.336 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 836 tỷ đồng.

Tại thời điểm 31/12/2022, tổng tài sản của Bamboo Airways ở mức 18.008 tỷ đồng, giảm 8.849 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả của hãng bay là 18.844 tỷ đồng, tăng trên 8.770 tỷ đồng so với đầu năm 2022. Trong đó, nợ ngắn hạn là chủ yếu với hơn 17.342 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm